Post Top Ad

Your Ad Spot

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA THOMAS SAMUEL KUHN VỀ TÍNH CÁCH MẠNG CỦA KHOA HỌC


            Từ những thập kỷ 50 của thế kỷ XX, khoa học – kỹ thuật ở các nước phương Tây có sự phát triển mãnh mẽ, chính sự phát triển đó đã tăng cường mạnh mẽ việc nghiên cứu các quy luật phát triển của khoa học và phương pháp luận khoa học, những sự thay đổi này không chỉ được biểu hiện trong lĩnh vực kinh tế mà nó còn được phản ánh trong những trào lưu triết học, nhất là triết học khoa học. Các giá trị khác biệt, khi không có nền tảng chung và không có sự khoan dung, dễ bùng lên xung đột, bạo loạn, cách mạng và chiến tranh, ở nhiều quy mô khác nhau; nguyên nhân nằm trong tính bất khả so sánh và bất khả ước giữa các mẫu hình và giá trị.

Nhiều thành tựu khoa học đột phá, căn bản đã nảy sinh ra nhu cầu nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau của khoa học, cả về lý thuyết lẫn thực hành. Mặc khác, sự tương tác giữa khoa học và các nhân tố còn lại của xã hội ngày càng rõ rệt, đòi hỏi có những khám phá và tổng kết trong lý luận về khoa học. Các phát kiến khoa học ra đời cũng đặt ra sự đối sánh với các thời kỳ trước, thúc đẩy việc nghiên cứu lịch sử khoa học. Khoa học luận của Thomas Kuhn ra đời trong bối cảnh sôi động về thời sự khoa học như vậy. Triết học khoa học của Kuhn về tính cách mạng của khoa học thể hiện ở một số quan điểm sau:

Phản đối khái niệm “phát triển bằng tích luỹ”, Kuhn tìm đến một lối hình dung khác về tiến trình phát triển của khoa học. Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học đưa ra một suy tư độc đáo về lịch sử khoa học và kể từ đó mô hình mà nó đề nghị đã trở thành kinh điển, với các khái niệm xương sống: “cách mạng khoa học”, “paradigm” (trong bản dịch là “mẫu hình”, còn có thể dịch là “hệ hình” hay “phạm thức”) và cặp từ đối nghĩa “normal science” (trong bản dịch là “khoa học chuẩn định”, còn có thể hiểu là khoa học ở trạng thái bình thường) và “extraordinary science” (trong bản dịch là “khoa học phi chuẩn định”, ở đây nên hiểu là “khoa học bất thường”). Lịch sử của khoa học (tự nhiên) đi qua các mẫu hình khác nhau, mỗi mẫu hình chi phối, quyết định, dự đoán và thậm chí tiên liệu sự diệt vong của chính mình. Cách hình dung này khá tương đồng với Michel Foucault khi bàn về sự phát triển của tri thức. Thay đổi mẫu hình là điều kiện tiên quyết cho khả năng về một cuộc cách mạng khoa học: “Cách mạng khoa học chính là quá trình chuyển sang một mẫu hình mới” (Kuhn, 2009, tr.189). Một điểm quan trọng nữa là Kuhn hoàn toàn không bỏ qua khía cạnh xã hội của phát triển khoa học.

Thế nào là “tính cách mạng của Khoa học”. Lịch sử khoa học, theo Kuhn, không diễn ra một cách liên tục, tuyến tính, không phải là sự tích lũy liên tục (thuyết thực chứng logic về khoa học) hay phủ định liên tục (như thuyết kiểm sai của Karl Popper) các lý thuyết mà lịch sử khoa học bao gồm các giai đoạn tích lũy bình lặng được ngắt quãng bởi các cuộc cách mạng khoa học (Kuhn gọi là sự dịch chuyển mẫu hình). “Cách mạng khoa học” là chỉ sự chuyển hóa và thay đổi mẫu hình, giữa mẫu hình cũ và mẫu hình mới có sự khác biệt về chất, tuy chúng giống nhau về kết cấu, nhưng về lý luận khoa học, định luật và quan điểm cơ bản đã biến đổi.

“Cách mạng khoa học” về thực chất đó là quá trình cộng đồng khoa học nắm bắt và giải mã những dị thường, xây dựng lại khái niệm khoa học và thiết lập những công cụ nhận thức mới, tức là các kiểu mẫu cũ sẽ bị “vứt bỏ” đồng thời vừa tiếp nhận các kiểu mẫu mới. “Nếu chỉ vứt bỏ kiểu mẫu cũ mà không xây dựng kiểu mẫu mới, thì sễ vứt bỏ khoa học mất” (Kuhn, 2009, tr.126).

Khủng hoảng có thể dẫn đến sự xuất hiện của một mô thức mới. Nếu mô thức mới này được chấp nhận thì đó là một sự Chuyển Đổi Mô Thức (paradigm shift). Kuhn gọi đây là những cách mạng khoa học. Trong lịch sử phát triển khoa học, những chuyển đổi mô thức điển hình là: Ptoleme - Copernicus, Newton - Einstein, vật lý cổ điển - vật lý lượng tử... Kuhn ví cách mạng khoa học cũng giống như cách mạng chính trị. Các đột phá trong khoa học - công nghệ bắt nguồn từ những chuyển đổi mô thức cơ bản, những biến đổi mang tính cách mạng của khoa học. Trong thời kỳ khoa học “thông thường”, các biến động mang tính kế tục và dựa trên các giả thuyết đã được thống nhất và không hề bị xem xét lại hay bác bỏ. Trong cách mạng khoa học, các biến động không còn là sự kế tục. Đó là một sự kết thúc, một đoạn tuyệt, một sự thay đổi cơ bản và ở đó, các phe với các quan điểm đối lập thường không thể đối thoại với nhau được nữa.

Đặc điểm của quá trình thay đổi mẫu hình khoa học cũ bằng mẫu hình khoa học mới được cộng đồng khoa học công nhận. Sự thay thế của các mẫu hình khoa học diễn ra theo cấu trúc 3 pha: giai đoạn mẫu hình cũ bị khủng hoảng, các trường phái khoa học mới nổi lên và cạnh tranh với khoa học chuẩn định đang khủng hoảng; một trường phái vượt lên và thuyết phục được đa số cộng đồng chuyên ngành và trở thành một mẫu hình mới.

Kuhn phát biểu, “chúng ta biết rằng giữa chính trị và khoa học có sự khác biệt rất lớn và rất cơ bản” (Kuhn, 2009, tr.191). Những giữa chúng vẫn có nét tương đồng nhất định, thể hiện trong ở phép ẩn dụ ở cuộc cách mạng. Các cuộc cách mạng chính trị được bắt đầu bởi một ý thức ngày càng tăng của cộng đồng, các thể chế hiện hành đã đạt đến giới hạn, không đáp ứng được một cách thỏa đáng các vấn đề của cộng đồng đặt ra. Tương tự như vậy, các cuộc cách mạng khoa học được mở đầu bởi ý thức ngày càng tăng, thường là giới hạn của các mẫu hình khoa học cũ, không còn thỏa đáng trong giải thích lĩnh vực khoa học mà nó đã mở đường trước đó.

Điểm tương đồng còn được thể hiện ở khía cạnh thứ hai, sâu sắc hơn đó là “cuộc cách mạng chính trị nổ ra nhằm thay thế các thiết chế chính trị theo phương thức mà các thiết chế đó không cho phép. Thành công của chúng ta vì thế đòi hỏi ít nhiều phải từ bổ hàng loạt các thiết chế khác” (Kuhn, 2009, tr.193), còn cách mạng khoa học, theo Kuhn, “Quá trình tiến hóa của khoa học cũng bộc lộ những đặc trưng tương tự” (Kuhn, 2009, tr.194), giống như việc lựa chọn các thể chế chính trị cạnh tranh nhau, việc lựa chọn các mẫu hình cạnh tranh nhau là sự lựa chọn những kiểu không tương hợp trong cuộc sống cộng đồng. Lựa chọn mẫu hình do đó không thể tránh được là một cái vòng tròn: mỗi nhóm các nhà khoa học dùng mẫu hình của mình để bảo vệ quan điểm khoa học của mình. Để ra khỏi cái vòng tròn đó, các nhóm buộc phải tìm cách thuyết phục những người khác về sự đúng đắn của mẫu hình của mình để đi đến sự thống nhất về mẫu hình  của cộng đồng khoa học, ngoài ra không có một tiêu chuẩn nào cao hơn thế.

Bên cạnh quan điểm so sánh giữa các cuộc cách mạng của khoa học với các cuộc cách mạng chính trị, Kuhn cũng cho rằng sự thay đổi của các mẫu hình khoa học giống như sự thay thế, tiến hóa của các sinh vật trong học thuyết tiến hóa của Darwin: Các sinh vật trong tự nhiên đấu tranh với nhau để có được cơ hội tồn tại, sự phát triển của khoa học cũng vậy, đó là sự tranh luận giữa các cộng đồng khoa học để tìm ra mẫu hình khoa học đúng đắn, phù hợp nhất đối với thời đại.

Trong Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học, Kuhn vẽ ra một bức tranh về sự phát triển của khoa học hoàn toàn không giống với bất kỳ điều gì đã xuất hiện trước đây. Thật vậy, trước Kuhn, có rất ít giải thích được xem xét cẩn thận, về mặt lý thuyết của sự thay đổi khoa học. Thay vào đó, có một quan niệm về cách khoa học phải phát triển, đó là sản phẩm phụ của triết lý khoa học thịnh hành, cũng như một quan điểm phổ biến mang tính anh hùng ca về tiến bộ khoa học. Theo những ý kiến như vậy, khoa học phát triển bằng cách bổ sung các sự thật mới vào kho các sự thật cũ, hoặc sự gần đúng ngày càng tăng của các lý thuyết với sự thật, và trong trường hợp riêng, sửa chữa các lỗi trong quá khứ. Tiến bộ như vậy có thể tăng tốc với bàn tay của một nhà khoa học vĩ đại cụ thể nào đó, nhưng bản thân tiến bộ ấy được đảm bảo bằng phương pháp khoa học.

Vào những năm 1950, khi Kuhn bắt đầu nghiên cứu lịch sử về khoa học thì lịch sử khoa học vẫn còn là một ngành học thuật non trẻ. Mặc dù vậy, rõ ràng là sự thay đổi khoa học không phải lúc nào cũng đơn giản như quan điểm truyền thống, tiêu chuẩn. Kuhn là tác giả đầu tiên và quan trọng nhất đưa ra một cách giải thích thay thế đầy đủ. Vì quan điểm truyền thống ăn khớp với triết học khoa học chịu ảnh hưởng chủ nghĩa thực chứng, nên một quan điểm phi tiêu chuẩn sẽ có những hậu quả quan trọng đối với triết học khoa học. Kuhn ít được đào tạo chính thức về triết học nhưng dù sao Kuhn cũng ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của sự đổi mới của ông đối với triết học, và thực sự ông đã gọi tác phẩm của mình lịch sử cho các mục đích triết học.

Vai trò của khủng hoảng đối với sự thay đổi của các mẫu hình khoa học. Theo Kuhn, khủng hoảng là điều kiện tiên quyết để có những lý thuyết mới xuất hiện. Tuy nhiên, các nhà khoa học không phải có thể dễ dàng từ bỏ những chuẩn mực khoa học ban đầu của mình, tức là các mẫu hình cũ để chấp nhận một mẫu hình mới, vì nếu từ bỏ một mẫu hình mà không có mẫu hình khác thay thế thì điều đó có nghĩa là từ bỏ khoa học. Trong những thời kỳ mà khủng hoảng đã được thừa nhận là đang tồn tại thực, các nhà khoa học lại quay sang phân tích triết học như là cách để tìm ra nguyên nhân của các khủng hoảng trong lĩnh vực khoa học mà mình đang nghiên cứu, “thông thường, nhà khoa học không muốn và không cần trở thành triết gia. Họ sẽ đến với triết học mỗi khi lâm vào khủng hoảng” (Kuhn, 2009, tr.150).

Khủng hoảng làm cho khoa học bị chia rẻ và rối loạn, mất ổn định và mất phương hướng. Song khủng hoảng cũng đem lại cho nhà khoa học tinh thần phê phán và tinh thần sáng tạo, chính các yếu tố đó tạo nên tính cách mạng của khoa học. Đây cũng là tác dụng tích cực nhất của khủng hoảng đối với sự phát triển khoa học: nó vừa là tiền đề tất yếu xuất hiện lý luận mới, vừa là giai đoạn bản lề của giai đoạn mới. Nó đả phá khuôn khổ cũ, cung cấp những tư liệu mới cho khoa học khai thác.

Kuhn muốn chứng minh rằng các lý thuyết khoa học trong lịch sử không hề bị loại bỏ khi chúng tỏ ra sai, mà chỉ đến khi nào chúng được thay thế. Sự thay thế này là một hiện tượng xã hội đòi hỏi sự tham gia của cả một cộng đồng các nhà nghiên cứu, cùng thống nhất với nhau về một quy trình xoay quanh việc giải thích một số hiện tượng hoặc một số thí nghiệm nhất định. Cộng đồng này có một cấu trúc đặc thù riêng (các cuộc toạ đàm, hội thảo, các ấn phẩm…). Nhìn chung, có thể chia khoa học làm ba thời kỳ: thời kỳ tiền khoa học - Khoa học chưa có cho mình một mẫu hình trung tâm; thời kỳ khoa học chuẩn định - Các nhà khoa học bỏ nhiều công sức để mở rộng và củng cố mẫu hình thông qua việc giải các bài toán đố; thời kỳ khủnh hoảng - Mẫu hình mới ra đời và thay thế mẫu hình cũ. “Scientific Revolutions” (các cuộc cách mạng khoa học) xem như nền tảng của mô hình tiến hoá khoa học do ông đề xướng.

Những phân tích trên là sự “quá độ trong cách mạng” từ nghiên cứu chuẩn sang nghiên cứu dị thường, từ mẫu hình đã từng là sơ sở của sự nghiên cứu khoa học sang một mẫu hình mới, quá trình đó được gọi là “cách mạng khoa học” (revolutionary science). Sự thay đổi mẫu hình có thể dẫn đến sự thay đổi của khoa học đã tạo ra mẫu hình đó. Mặt khác, sự thay đổi của mẫu hình còn dẫn đến sự thay đổi của thế giới mà các nhà nghiên cứu đã “nhìn” nó vì “vị trí nhìn” đã thay đổi. Nhiều người có thể nghĩ rằng những gì thay đổi với một mẫu hình có thể chỉ là sự thay đổi của cách lý giải của các nhà khoa học đối với các quan sát mà những quan sát này đã được cố định. Kuhn viết: “dưới ánh sáng của một mẫu hình mới, các nhà khoa học tiếp nhận những công cụ mới và hướng tầm nhìn của mình về một chân trời mới”, “sự thay đổi mẫu hình khiến các nhà khoa học nhìn thế giới mà họ theo đuổi bằng một con mắt khác” (Kuhn, 2009, tr.226).

Tuy khẳng định các mẫu hình của khoa học sẽ liên tục được thay thế bởi các mẫu hình khoa học mới, nhưng Kuhn không cho rằng các cuộc cách mạng đó của khoa học không đưa con người đến gần hơn với chân lý, mà đó chỉ là quá trình mà sau mỗi lần thay đổi mẫu hình, con người có được những hiểu biết tinh vi hơn, sâu sắc hơn về giới tự nhiên, chứ nó không phải là quas trình thay đổi, phát triển hướng đến một cái gì đó, ông khẳng định: “Có lẽ còn có một cách nào đó nhằm cứu vãn khái niệm chân lý để áp dụng nó cho mọi lý thuyết trên đời, nhưng nếu có cũng không làm được” (Kuhn, 2009, 395). Như vậy, các giai đoạn trong quá trình tiến hóa của khoa học chỉ được đánh dấu bằng sự làm rõ và chuyên môn hóa về tự nhiên và toàn bộ quá trình đó có thể diễn ra mà không cần có một mục tiêu đặt ra trước hay một chân lý khoa học làm mục tiêu hướng đến.

Đẩy xa hơn suy tư của mình, Kuhn đặt các cuộc cách mạng khoa học vào sự đối sánh với các cuộc cách mạng chính trị và tìm ra nhiều điểm tương đồng giữa chúng. Cả hai loại đều khởi đầu bằng một cảm giác bất ổn chung của cộng đồng, tiếp đến là giai đoạn khủng hoảng bắt buộc trước khi dẫn đến quá độ và thay thế về mẫu hình (ở điểm này Kuhn khác với Popper, người cho rằng sẽ có thay đổi mẫu hình khi một mẫu hình cũ bị vứt bỏ; Kuhn lại khẳng định phải đến khi một mẫu hình mới thay thế xong xuôi một mẫu hình cũ thì quá trình này mới thực sự được hoàn thành). Gần gũi với cách mạng chính trị (đó cũng chính là lý do khiến Kuhn chọn từ “cách mạng”), “việc lựa chọn giữa các mẫu hình cạnh tranh nhau cũng là một sự lựa chọn giữa những lối sống không tương thích nhau của cộng đồng” (Kuhn, 2009, tr.194).

Học thuyết về tính cách mạng của khoa học trong triết học của Kuhn tuy còn mắc phải những hạn chế nhất định nhưng nó cũng có những đóng góp to lớn là mở ra hướng nghiên cứu mới cho giới nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội. Ông xứng đáng là nhà triết học khoa học lớn nhất của thế kỉ XX, tư tưởng triết học khoa học của ông không chỉ ảnh hưởng ở phương Tây mà nó đã mở rộng phạm vi ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

---

Lê Chí Nhân

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Đỗ Minh Hợp (2014). Lịch sử triết học phương Tây, tập 3, Triết học phương Tây hiện đại. Hà Nội: Chính trị quốc gia – Sự Thật.

2.   Kuhn, Thomas, ed. By James Conant and John Haugeland (2000), The Road since Structure – Philosophica Essays, 1970 – 1993, with an Autobiographical Interview, The University of Chicago Press, Chicago and London.

3.   Lưu Phóng Đồng (2004). Giáo trình hướng đến thế kỉ XXI – Triết học phương Tây hiện đại. Thành phố Hồ Chí Minh: Lý luận chính trị.

4.  Melvil J.K (1997). Các con đường của triết học Phương Tây hiện đại, (Đinh Ngọc Thạch và Phạm Đình Nghiệm dịch). Thành phố Hồ Chí Minh: Tri thức.

5.   Trần Quang Thái (2006), Chủ nghĩa Hậu hiện đại, Thành phố Hồ Chí Minh: Tp Hồ Chí Minh.

6. Thomas Kuhn, Chu Lan Đình dịch (2009). Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học. Hà Nội: Tri thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

Your Ad Spot