Post Top Ad

Your Ad Spot

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

           Vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa được Đại hội XII của Đảng khẳng định sâu sắc hơn. So với Báo cáo chính trị Đại hội XI, Báo cáo chính trị Đại hội XII đã dành riêng một ý trong phần phương hướng, nhiệm vụ để khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, tr. 55).

Hiến pháp năm 2013, với vai trò “đạo luật gốc”, đã khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đồng thời bổ sung thêm một nguyên tắc mới về kiểm soát quyền lực nhà nước. Các nguyên tắc này là cơ sở hiến định để các cơ quan nhà nước về lập pháp, hành pháp và tư pháp phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được nhân dân giao cho mỗi quyền; hạn chế và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền lực nhà nước, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Dựa trên các nguyên tắc đó, bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp sửa đổi đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn, minh bạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có hiệu lực, hiệu quả.

Trên cơ sở quan điểm tiếp cận chung đó, có thể nêu các nguyên tắc của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

2.1. NGUYÊN TẮC GIỮ VỮNG BẢN CHẤT GIAI CẤP CÔNG NHẤN CÁCH MẠNG VÀ TÍNH NHÂN DÂN CỦA NHÀ NƯỚC TA.

Một vấn đề có tính nguyên lý là Nhà nước Việt Nam được hình thành với tính chất là sản phẩm của cuộc cách mạng dân chủ - nhân dân và được tổ chức theo mô hình một Nhà nước vô sản - Nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước này, theo các nhà sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là thực hiện chuyên chính vô sản. Đặc trưng cơ bản của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là thực thi quyền lực vì lợi ích trước hết là của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Khi nghiên cứu bài học của các cuộc cách mạng trên thế giới và giá trị của các luồng tư tưởng, các chủ nghĩa đa dạng để thiết kế mô hình Nhà nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì dân chúng (công, nông) làm gốc, phải có Đảng vững mạnh, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Ma Khắc Tư và Lênin” (Hồ Chí Minh, 1995, tr. 280).

Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, rõ ràng, đánh dấu sự thay đổi về chất của Nhà nước, nhưng tất cả những sự thay đổi hay cải cách phải bảo đảm những vấn đề có tính nguyên lý, đó là giữ vững bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa và định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, về phương diện lý luận, một trong những đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần phải khẳng định là Nhà nước đó phải mang bản chất của Nhà nước của giai cấp công nhân; nền tảng xã hội của Nhà nước là liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức (Điều 2 Hiến pháp năm 1992). Quan điểm này là xuyên suốt và nhất quán khi xác định các nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Tổ chức chính quyền trong Nhà nước vô sản được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin nghiên cứu trong bối cảnh tồn tại những giai cấp đối kháng với những xung đột đặc biệt quyết liệt về lợi ích chính trị. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, bên cạnh việc giữ vững bản chất của giai cấp công nhân, Nhà nước phải phát huy vai trò bảo vệ và điều hoà lợi ích xã hội. Năng lực chính trị và vị trí của Nhà nước được bộc lộ qua khả năng bảo đảm những lợi ích, quyền lợi của các giai cấp, tầng lớp, những nhóm người, các tập thể trong xã hội trong định hướng của các lợi ích chung Để Nhà nước có thể thực hiện và phát huy vai trò của mình trong hệ thống chính trị, cần có những điều kiện khách quan khác mà một trong đó là yếu tố xã hội. Dân cư, các giai cấp, tầng lớp người, các tập thể, cá nhân trong cơ cấu xã hội chính là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước và giờ đây, hơn lúc nào hết chức năng xã hội của Nhà nước phải được đề cao ở thứ tự ưu tiên. Vì vậy, cùng với việc giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước, cần củng cố cơ sở rộng lớn của xã hội.

Như vậy, xây dựng Nhà nước pháp quyền là quá trình đổi mới. Quá trình đó không phải là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải là xa rời nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển hệ thuyết, tư tưởng đó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đổi mới không phải là phủ định thành tựu và cách làm trước đây, mà là khẳng định những gì đã hiểu đúng, làm đúng, loại bỏ những gì hiểu sai, làm sai hoặc những gì trước kia đúng nhưng nay không còn phù hợp, bổ sung nhận thức mới và cách làm mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

2.2. NGUYÊN TẮC PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ CỦA NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA; XÂY DỰNG MỘT NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN.

Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.  Chủ quyền nhân dân là tư tưởng xuyên suốt tất cả bản Hiến pháp của Việt Nam. Quy định này là nơi là nơi thể hiện một cách cô đọng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân, dân là gốc, dân là chủ, dân là lực nơ vĩ đại và nhân dân là nền tảng của Nhà nước. Cũng từ đây mà Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân vừa là bản chất, vừa là nguyên tắc, đồng thời là phương châm hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước.

Tổng kết bài học kinh nghiệm của 20 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn là một nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Dựa vào nhân dân, qua thực tiễn phong phú của nhân dân, tiến hành tổng kết, từng bước tìm ra quy luật các mặt của cuộc sống để đi lên - đó là chìa khóa của thành công” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2005, tr.130).

Tinh thần pháp luật, nguyên tắc pháp quyền đã từng được biết đến trong lịch sử tư tưởng Việt Nam mà biểu tượng, đỉnh cao là tư tưởng Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ quan điểm về mô hình Nhà nước kiểu mới - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ngay ở phác thảo ban đầu về tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam trong tương lai, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã hình dung được tính chất và nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước đó - một Nhà nước phải có tính dân chủ sâu sắc, tính nhân dân đậm đà theo đuổi lý tưởng dân quyền. Những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân có thể đúc kết ở một số nội dung như sau: bộ máy nhà nước là công cụ thừa hành ý chí của dân, là công bộc của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về hoạt động của mình, bộ máy nhà nước đó phải làm lợi cho dân và vì lợi ích của nhân dân; Nhà nước phải hoạt động theo pháp luật và tự đặt mình dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Điều đáng lưu ý là khu tìm tòi một mô hình Nhà nước thích hợp với Việt Nam, ở Hồ Chí Minh đã hình thành rất sớm và nhất quán ý tưởng về chế độ pháp quyền, nguyên tắc pháp chế, tinh thần tôn trọng, tuân thủ pháp luật. “Thần linh pháp quyền” trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là một yêu cầu đối với một Nhà nước dân chủ chịu sự ràng buộc của pháp luật; Nhà nước phải thực sự trong sạch, chống đặc quyền, đặc lợi, quan liêu, tham nhũng. Vì vậy, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị thời sự, hoàn toàn thích hợp có ý nghĩa chỉ đạo cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hiện nay ở nước ta.

2.3. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN TIẾN HÀNH ĐỒNG BỘ VỚI ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền tiến hành đồng bộ với đổi mới và phát triển kinh tế, phục vụ đắc lực quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Sự ra đời và vận hành kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo ra bước chuyển hướng mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, trình độ sản xuất của lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng làm thay đổi và xuất hiện nhiều loại quan hệ kinh tế mới trong sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ phân phối, lưu thông hàng hóa, tiền tệ…

Phát triển kinh tế thị trường là yêu cầu khách quan, buộc Nhà nước phải thay đổi phương thức quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, tự do sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc “cá nhân, doanh nghiệp, được làm tất cả những gì pháp luật không cấm” có như vậy mới đảm bảo vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Văn kiện Đại hội XII thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Sự phát triển kinh tế thị trường đồng thời với việc thay đổi phương thức quản lý thể hiện mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, là tiền đề quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Muốn thực hiện được điều đó khi các điều kiện về chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước phát triển đến một trình độ nhất định, tạo tiền đề, điều kiện vật chất và tinh thần để thực hiện các quyền cơ bản của công dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

2.4. NGUYÊN TẮC TIẾP THU CÓ CHỌN LỌC CÁC GIÁ TRỊ PHỔ BIẾN VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI VỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN ĐỂ VẬN DỤNG THÍCH HỢP TRONG ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM.

Nhà nước pháp quyền không chỉ có riêng của CNTB, CNXH cũng có thể thực hiện Nhà nước pháp quyền. Nhưng Nhà nước pháp quyền CNXH khác về chất so với Nhà nước pháp quyền tư sản ở chỗ: pháp quyền dưới CNTB về thực chất là công cụ của giai cấp tư sản, pháp quyền dưới chủ nghĩa xã hội là công cụ để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Nhà nước pháp quyền đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật coi Nhà nước là công cụ của pháp luật để bảo đảm các quyền tự do của cá nhân, các thành viên của xã hội. Và thiết lập một trật tự trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước để hạn chế và ngăn chặn khả năng lạm dụng quyền lực về phía Nhà nước.

Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền nhằm tìm kiếm một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước hợp lý để một mặt phát huy sức mạnh của Nhà nước trong việc duy trì trật tự xã hội và thúc đẩy xã hội phát triển, tạo ra thế bình đẳng giữa Nhà nước và công dân, chống lại sự lạm dụng quyền hạn của Nhà nước.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp hành pháp và tư pháp. Trong đó, pháp luật giữ vị trí chi phối trong toàn XH, trong hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước và trong các hành vi xử sự của các thành viên trong XH, thực hiện theo nguyên tắc phân công và giám sát quyền lực.

Điều 12 Hiến pháp năm 1992 quy định Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN. Đồng thời Hiến pháp cũng quy định rằng: “Các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức, kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. (Điều 136 Hiến pháp năm 1992).

Nhà nước pháp quyền tạo điều kiện cho nhân dân giữ gìn thuần phong, mỹ tục là cơ sở để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, là cơ sở để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của xã hội Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ giữa quốc gia và quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được thừa nhận hoặc tham gia ký kết. Bảo đảm sự hội nhập của một số quốc gia vào cộng đồng thế giới, thực hiện giao lưu về kinh tế, chính trị, văn hóa. Tạo môi trường thuận lợi phục vụ quá trình phát triển quốc gia. Nhà nước pháp quyền là nhân tố quan trọng góp phần đưa nhiều quốc gia nhanh chóng phát triển, nhất là trong điều kiện quốc tế hóa mọi mặt của đời sống xã hội. Chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước là nhân dân, cho nên, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do của công dân là yêu cầu tất yếu của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

2.5. NGUYÊN TẮC BẢO ĐẢM SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

Ở nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và đối với xã hội là một tất yếu lịch sử khách quan. Điều này đã được thể hiện trong Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII chỉ rõ “ở nước ta, không có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản thì không có độc lập dân tộc, không có quyền làm chủ thưc sự của nhân dân, không có Nhà nước của dân, do dân và vì dân, không thể thực hiện được công bằng xã hội. Lúc bình thường, vai trò lãnh đạo của Đảng rất quan trọng, ở những bước chuyển giai đoạn, vai trò đó lại càng quan trọng.” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII).

Đảng cộng sản Việt Nam là cơ sở chính trị, xã hội của Đảng rất rộng lớn, sự lãnh đạo của Đảng được tất cả các tổ chức chính trị - xã hội thừa nhận; Đảng là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…

Trong công cuộc đổi mới, cùng với sự đổi mới toàn diện và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng ta đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, đảm bảo cho đường lối, chủ trương của Đảng đúng đắn, được thể chế hóa, cụ thể hóa thành pháp luật, kế hoạch, chính sách của Nhà nước. Không ngừng nâng cao năng lực trí tuệ, năng lực tổ chức quản lý, phẩm chất đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ khả năng lãnh đạo mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ trương đường lối chính sách của Đảng là cái hồn của Pháp luật, nội dung pháp luật của Nhà nước phải hàm chứa đầy đủ, kịp thời, đường lối của Đảng. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đường lối, chính sách của Đảng và chấp hành pháp luật cũng chính là thực hiện đường lối của Đảng.

Kết luận chương 2

            Việc xây dựng các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền Việt Nam phải xuất phát từ thực tiễn chính trị của nước ta và phải được tiến hành trên cơ sở quán triệt những định hướng của Đảng. Vì vậy, các nguyên tắc của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam cần thể hiện hai nội dung: thứ nhất, các nguyên tắc nhằm duy trì những yếu tố mang tính nguyên lý và ưu việt của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa; mặt khác, các nguyên tắc thể hiện tinh thần hội nhập, sẵn sàng tiếp thu các giá trị tiến bộ của thế giới về mô hình Nhà nước pháp quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

Your Ad Spot