Post Top Ad

Your Ad Spot

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

NỘI DUNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA KHỔNG TỬ

 2.1.VỀ MỤC ĐÍCH GIÁO DỤC

Khổng Tử sinh ra và lớn lên trong tình cảnh xã hội loạn lạc, vua chúa và tầng lớp quý tộc thì chỉ lo hưởng lạc tửu sắc, không màn đến chính sự và đời sống nhân dân. Các nước chư hầu thì gây chiến tranh thôn tính lẫn nhau, thậm chí có mưu đồ lật đổ địa vị thống trị của thiên tử. Trong tỉnh cảnh loạn lạc như vậy thì các đạo lý, lễ nghi, trật tự xã hội từng một thời tạo nên giai đoạn thịnh vượng nhà Tây Chu đã không còn được tôn trọng và thực hiện, các bậc sĩ trong thiên hạ đã có những ước muốn khôi phục lại một xã hội yên bình, thịnh trị như trước, Khổng Tử cũng không ngoại lệ. Khổng Tử mong muốn thông qua việc giáo dục con người thực hiện điều nhân, tuân thủ đạo lý, lễ nghi và trật tự xã hội để dần ổn định xã hội. Chính ước mơ lớn nhất cũng là mục đích giáo dục của Khổng Tử, ông mong muốn đào tạo ra những người vừa có tài, vừa có đức, biết lễ nghi để ra cai trị thiên hạ, giáo hóa dân chúng làm điều nhân. Mẫu người mà Khổng Tử hướng đến là người “quân tử”, biết rõ đạo lý và biết hành đạo để giúp đời.

Từ quân tử được Khổng Tử nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Luận ngữ, cho thấy tư tưởng về quân tử là tư tưởng rất cốt lõi và quan trọng trong học thuyết của Khổng Tử. Quân tử là một nhóm người trong xã hội, đối lập với “tiểu nhân”, đây là hai nhóm người cơ bản được Khổng Tử phân chia theo khía cạnh đạo đức. Trong tác phẩm Luận ngữ, Khổng Tử sử dụng chủ yếu đối mối quan hệ đối lập giữa “quân tử” và “tiểu nhân” để chỉ những hạng người trong xã hội.

Khái niệm “quân tử” của Khổng Tử khác với khái niệm “quân tử” trước thời của ông, nếu như trước đây khái niệm này dùng để chỉ về những người thuộc tầng lớp quý tộc, có địa vị xã hội cao thì đến thời Khổng Tử được bổ sung thêm một yêu cầu về khía cạnh đạo đức và tài năng. Trong sách Luận ngữ, từ “quân tử” được sử dụng rất nhiều lần nhưng hàm ý của chúng không giống nhau, có từ ông ám chỉ nghĩa nguyên thủy của từ này, đó là chỉ con em các bậc khanh sĩ đại phu, nhưng về sau thì “quân tử” được Khổng Tử sử dụng để một lớp người biết lập chí “tu thân, tề gia, có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng và có ý chí “trị quốc, bình thiên hạ”. Trong thiên Tiên tiến của sách Luận ngữ, Khổng Tử viết: “Những người trước học lễ, nhạc, sau mới làm quan, ấy là người quê mùa (chưa được phong quan tước); những người có địa vị quan tước sau mới học lễ nhạc, ấy là con em các bậc khanh sĩ, đại phu. Nếu chọn nhân tài dùng trong quản lý nhà nước, ta sẽ chọn người trước đã học lễ nhạc” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.281).

Có thể thấy được mục đích lớn nhất trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử là đào tạo ra được những người “quân tử” để giáo hóa dân chúng, “hành đạo giúp đời”, phục vụ lợi ích cho toàn thể xã hội. Nhưng để được coi là “quân tử” thì phải thật sự hiểu đạo và hành đạo, trải qua quá trình rèn luyện, “tu thân” gian khổ suốt đời. Khổng Tử viết: “Quân tử vô cầu bảo, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã di. Dịch: Người quân tử không cầu ăn không cầu được đầy đủ, ở không cần được yên vui, làm việc siêng năng mà thận trọng lời nói, tìm người đạo đức để (thụ giáo) sửa mình; như vậy mới có thể gọi là người ham học” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.33). Người “quân tử” theo Khổng Tử không quan tâm vấn đề cuộc sống vật chất của mình mà chú tâm vào học đạo và hành đạo giúp đời, như vậy mới có được cuộc sống thanh cao và được người đời tôn trọng. Đây vừa là mục đích cao cả, vừa là phương pháp để người “quân tử” phấn đấu hoàn thiện nhân cách để đảm nhận vai trò “giữ yên cho trăm họ”.

Để được xã hội công nhận, tôn trọng với địa vị là “quân tử” trong xã hội thì người đó phải biết tu dưỡng đạo đức chính trực, hành động theo đạo lý. Theo Khổng Tử, “quân tử” phải biết suy nghĩ và hành động cận thận theo chín điều sau: “Khi trông thì chú ý để thấy minh bạch, khi nghe thì lắng tai nghe cho rõ, sắc mặt thì giữ cho ôn hòa, diện mạo thì giữ cho đoan trang, lời nói thì giữ cho trung thực, làm thì giữ cho kính cẩn, có điều nghi hoặc thì hỏi han, khi giận thì nghĩ tới hậu quả tai hại sẽ xảy ra, thấy mối lợi thì nghĩ đến điều nghĩa” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.278). Ngoài những điều răn trên, Khổng Tử còn coi “Tam giới, tam úy như là những giới hạn để giữ bản thân hành động theo đạo, chế ngự lại những ham muốn vốn có của con người, Khổng Tử viết: “Quân tử có ba điều răn: Khi còn trẻ khí huyết chưa định (thân thể chưa phát triển đủ), nên răn về sắc dục; tuổi tráng niên, khí huyết cương cường, nên răn về tranh đấu; về già, khí huyết đã suy, nên răn về tính tham(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.276-277). Khổng Tử viết: “Người quân tử có ba điều sợ: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời nên không sợ, khinh nhờn đại nhân, giễu cợt lời của thánh nhân(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.277).

Theo Khổng Tử, người “quân tử” thường xuyên học tập kiến thức lễ, nhạc, thông hiểu đạo lý, hành động luôn tuân thủ đạo đức nên sẽ lập được nhiều công danh, xã hội sẽ trọng dụng. “Tiểu nhân” cũng phải học, nhưng cái học này khác với cái học của người “quân tử”. Người “quân tử” học đạo để quản lý xã hội, còn “tiểu nhân” học để phục tùng xã hội, phục tùng “quân tử”. Chính vì sự phân chia xã hội thành những hạng người khác nhau, giữ địa vị và nhiệm vụ khác nhau nên mục đích giáo dục của những hạng người này cũng khác nhau.

Chính vì mục đích đào tạo người “quân tử” ra làm quan để quản lý xã hội nên ông có phần xem nhẹ, thậm chí là coi thường việc cày cấy, làm ruộng. Khổng Tử cho những việc này là những hoạt động tầm thường, là những công việc của hạng người bậc dưới. Nhiệm vụ của người “quân tử” là học đạo và dựa theo đạo mà cai trị thiên hạ. Khổng Tử viết: “Phan Tu (tức Phan Trì) bỉ lâu thay! người trên ham điều lễ thì dân không dám không kính; người trên ham điều nghĩa thì dân không dám không phục tùng; người trên ham đức thành tín thì dân không dám không trung thực. Được như vậy thì dân bốn phương sẽ dịu, cõng con mà tới, hà tất phải học làm ruộng” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.214). Hay trong thiên Vệ Linh Công Khổng Tử cũng đã chỉ ra nhiệm vụ của người “quân tử” là chỉ cần học đạo như sau: “Người quân tử mưu cầu đạt đạo, chứ không mưu cầu chuyện ăn. Cầy ruộng (vốn là để mưu cầu việc ăn) mà có khi gặp năm mất mùa, không có ăn; còn học đạo (vốn không phải mưu cầu việc ăn) nhưng có lúc được bổng lộc. Người quân tử lo không đạt đạo chứ không lo nghèo” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.265).

Người “quân tử” phải luôn trọng nghĩa, biết phân biệt đúng sai, không kiêu căng, hống hách. Tuy mục đích lớn nhất mà người “quân tử” mong muốn đó là học đạo nhân, lễ nhạc để “vi chính”, tức là ra làm quan để có thể giúp đời, giữ cuộc sống bình yên cho thiên hạ, nhưng không ham tranh giành chức tước, không cho phép bản thân có những ý muốn tư lợi cho bản thân. Nỗi lo lớn nhất của người “quân tử” đó chính là không thể học tập, phấn đấu vươn lên, hoàn thiện đạo đức bản thân chứ không phải lo vì mình chưa có chức tước cao, người đời chưa biết đến mình.

Với mục đích giáo dục cao đẹp đã đề ra, bản thân Khổng tử cũng là một tấm gương sáng cho việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức bản thân để hiểu đạo và hành đạo giúp đời. Cuộc đời Khổng Tử là quá trình học tập liên tục, học không biết mệt mỏi, đặc biệt không phải học cho riêng mình mà còn đem những kiến thức mà mình được học, giáo hóa dân chúng hành xử đúng đạo, giữ yên trật tự của xã hội. Biểu hiện rõ nhất là ông có hơn 42 năm hoạt động giáo dục và số lượng học trò hơn 3000 người.

Như vậy, Khổng Tử đã xác định được mục đích giáo dục rất rõ ràng, đó chính là đạo nên những lớp người “quân tử” để ra làm quan, “hành đạo giúp đời”, đồng thời chính lớp người đó sẽ giữ vững và phát huy nhưng giá trị lễ nghi, tôn ti trật tự thịnh vượng của nhà Chu đã bị mai một và đang dần bị hủy diệt, khôi phục lại địa vị của thiên tử nhà Chu và cuộc sống ấm no cho dân chúng, đây cũng là ước mơ lớn nhất của các bậc Nho sĩ bấy giờ.

2.2.VỀ ĐỐI TƯỢNG GIÁO DỤC

Khổng Tử đề ra chủ trương tiến hành giáo dục không phân biệt giàu nghèo, sang hèn và địa phương như thế nào, chủ trương đó ông gọi là “hữu hóa vô loài”. Đây cũng chính là một điểm tiến bộ nhất trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử. Tác giả Trí Tuệ đã đưa ra một nhận định như sau: “Thành tựu về giáo dục của Khổng Tử biểu hiện nội bật ở hai phương diện: thứ nhất: sáng lập trường tư, nêu khẩu hiệu “hữu hóa vô loài” (tiến hành giáo dục không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa phương), khiến tầng lớp kẻ sĩ có được cơ hội học tập, làm lay chuyển chế độ thống trị “thế khanh thế lộc”, đào tạo đổi ngũ lớn nhân tài” (Trí Tuệ, 2003, tr.172). Nếu trước thời của Khổng Tử, giáo dục chỉ là một “đặc quyền, đặc lợi” của con em quý tộc, chính vì điều đó mà đã hình thành cách hiểu của từ “quân tử” là để chỉ con em quý tộc, vì chỉ có giai cấp này mới có quyền được học lễ nhạc, học đạo lý để cai trị thiên hạ. Có thể xem Khổng Tử là người đầu tiên bình dân hóa giáo dục, mở rộng phạm vi giáo dục ra mọi tầng lớp trong xã hội.

Hữu hóa vô loài” có nghĩa là chủ trương giáo dục không phân biệt xuất thân của người học, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, giữ địa vị nào trong xã hội. Học trò của Khổng Tử rất đông, đến từ khắp mọi nơi như nước Lỗ, Vệ, Tề, Tống, Tấn, Sở, Ngô, đủ mọi hạng người từ giàu có quyền thế như Tư Mã Ngưu, Tử Cống, đến người nghèo như Nhan Uyên ông đều đối xử tất cả như nhau. Khổng Tử viết: “Ai dưng lễ để xin học thì một bó nem trở lên, ta chưa từng (chê là ít) mà không dạy(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.123), câu nói trên là một minh chứng cụ thể cho chủ trương giáo dục “hữu hóa vô loài” và cũng là một hoạt động thực trong quá trình giáo dục của Khổng Tử, ai trong thiên hạ nếu có ý muốn theo học đạo thì chỉ cần dâng lễ cho ông một “bó nem”.

Chủ trương giáo dục không phân biệt địa phương, sang hèn, giàu nghèo của Khổng Tử được hình thành dựa trên quan điểm của ông về bản tính của con người. Ông cho rằng: “tính tương cận, tập tương viễn dã” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.284), câu này có nghĩa là bản tính con người lúc mới sinh ra là giống nhau, do sống trong các môi trường, điều kiện sống khác nhau mà hình thành nên bản tính hiền, ác khác nhau, dẫn đến phân chia thành nhiều hạng người trong xã hội. Và theo Khổng Tử, giáo dục là công cụ để giáo hóa con người, có thể giúp cho con người hướng về đạo đức, rời bỏ những điều ác mà hành động theo đạo. Với quan điểm này, Khổng Tử còn thể hiện tấm lòng bao dung, rộng lượng và đường lối cai trị thiên hạ bằng đạo đức, không xa lánh những người đã mắc phải những sai lầm mà phải chỉ đường đi đúng cho họ quay về với “chính đạo”. Luận ngữ có đoạn viết như sau: “Người làng Hồ Hương (lạc hậu ngu muội) rất khó nói chuyện, có đứa trẻ làng ấy yết kiến Khổng Tử, học trò Khổng Tử đều cảm thấy nghi hoặc. Khổng Tử nói: “Ta khen sự tiến bộ của anh ta, không khen sự thoái bộ của anh ta, các người hà tất phải làm quá đáng. Người ta tự làm sạch mình để đến đây, thì nên khen sự trong sạch của họ, không nên truy cứu quá khứ của học”” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.133).

Tuy Khổng Tử có quan điểm là giáo dục có thể giáo hóa, thay đổi bản tính của người trong thiên hạ, nhưng ông cũng có một quan điểm về những hạng người mà giáo dục không thể nào thay đổi được bản tính, dù cố gắng đến mấy cũng không thay đổi được hạng người này, đó là hạng Thượng tríHạ ngu. Khổng Tử viết: “Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.285). Theo Khổng Tử, Thượng trí là những người vừa mới sinh ra đã mang tư chất thông minh, học một biết mười, ám chỉ những bậc thánh nhân nắm rõ quy luật của trời đất để làm ra các phép tắc để dạy người. Còn Hạ ngu thuộc về hạng người tiểu nhân, không biết tuân thủ đạo đức, có thể làm mọi việc nếu có lợi cho bản thân mình, có giáo dục như thế nào cũng vô ích mà chỉ nên sai khiến.

Riêng với người dân, Khổng tử lại có một quan điểm khác lạ với chủ trương “hữu hóa vô loài”, ông chủ trương đối với dân việc gì nên giảng dạy thì giảng dạy, còn việc gì cần thiết thì nên sai khiến chứ không nên giảng dạy. Nguyên nhân là dân không có khả năng hiểu được những việc mình làm, chỉ làm theo sự sai khiến của bậc trên. Khổng Tử viết: “Dân chúng, có thể hiến họ theo (điều nào đó), chứ không nên giảng cho họ hiểu được(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.143) hay Khổng Tử viết: “Người ta có tư chất từ bậc trung trở lên thì có thể giảng đạo lý cao xa cho được; người có tư chất từ bậc trung trở xuống, không thể giảng cho đạo lý cao xa được(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.114). Đây có thể coi là một hạn chế trong quan niệm về đối tượng giáo dục của Khổng Tử. Một hạn chế rất lớn nữa trong quan niệm về đối tượng giáo dục mà Khổng Tử mắc phải đó là phụ nữ không được tham gia vào việc học tập vì ông cho xếp phụ nữ vào hạng người tiểu nhân, không có khả năng để hiểu đạo mà chỉ nên làm theo sự sai khiến của người trên. Chính quan niệm này đã làm cho thân phận của người phụ nữa Việt Nam thời phong kiến và cả một số tàn dư trong thời nay bị chà đạp, lấy đi sự tự do và kiểm hãm sự phát triển của người phụ nữ trong một giai đoạn lịch sử rất dài.

Tuy còn nhiều hạn chế do những nguyên nhân khách quan và chủ quản của thời đại và bản thân Khổng Tử nhưng không thể phủ nhận sự tiến bộ của ông trong chủ trương “hữu hóa vô loài”, đặc biệt là việc ông mở trường tư để nhận học trò từ khắp nơi, mở rộng giới hạn của giáo dục, đưa giáo dục đến với mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt sự sang hèn, giàu nghèo, chỉ cần có lòng ham học ông đều thu nhận.

2.3.    VỀ NỘI DUNG GIÁO DỤC

Với mục tiêu đào tạo nên những lớp người “quân tử” có những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, biết hành động giúp đời tuân theo đạo nên Khổng Tử chủ trương dạy học trò của mình về đạo đức luân lý là chính, đây là vấn đề đầu tiên mà người học cần phải đạt được. Khổng Tử viết: “Con em (thanh niên) ở trong nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được như vậy rồi mà còn sức thì sẽ học văn (tức học thi, thư, lễ, nhạc, dịch…)” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.28).

Khổng Tử khẳng định người “quân tử” cần phải rèn luyện, tu dưỡng bản thân để có thể đạt được năm đức tính cao quý, đó là: “Nhân”, “Lễ”, “Nghĩa”, “Trí”, “Tín”, phải nắm vững vấn đề này thì mới học những vấn đề khác. Có thể thấy giáo dục đạo đức là nội dung cơ bản nhất trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử. Xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn xã hội Trung Quốc bấy giờ, chiến tranh tranh giành địa vị, thôn tính lẫn nhau, đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ chính là tiền đề quan trọng để Khổng Tử đề ra chủ trương chính trị “Đức trị” và nội dung giáo dục chủ yếu là đạo đức nhằm khôi phục lại trật tự xã hội ổn định của nhà Tây Chu.

Năm phẩm chất đạo đức của “quân tử” vừa là tiêu chuẩn để công nhận sự hoàn thiện về đạo đức của một người, vừa là những tiêu chuẩn để con người tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân cách bản thân.

Nhân” là một phạm trù cơ bản trong triết học Khổng Tử, cũng là một phẩm chất vô cùng quan trọng của đạo đức con người. Khổng tử viết: “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.75), có thể thấy được tầm quan trọng của phạm trù “Nhân” đối với việc “lập thân” người “quân tử”. Trong tác Luận ngữ, phạm trù này được nhắc lại 109 lần, tùy vào đối tượng mà Khổng Tử giải thích với học trò thế nào là “Nhân”. Trong thiên Nhan Uyên, khi học trò hỏi về “Nhân”, Khổng tử đáp: “Khắc kỉ (chế tháng tư dục), mà trở về lễ (đạo lý) thì là nhân” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.195), hay Khổng Tử viết: “Ra khỏi cửa thì phải nghiêm trang như gặp khách quí; sai khiến dân thì phải thận trọng như trong một cuộc tế lớn, cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.196). Với từng học trò, Khổng Tử có những cách giải thích khác nhau, giải thích rất ngắn gọn và dễ hiểu cho ta thấy một phương pháp giáo dục tiến bộ của Khổng Tử, đó là dựa vào năng lực của người học mà có nội dung giáo dục khác nhau, có thể phát huy được hết năng lực của người học.

Có thể hiểu “Nhân” là một nguyên tắc đạo đức của Khổng Tử, đó là đối xử với nhau bằng trên cơ sở tình thương, đối xử với người khác bằng tình yêu thương giữa người với người. Khổng Tử dạy học trò về đức “Nhân”: “Phàn Trì hỏi đức nhân. Khổng Tử đáp: “Yêu người””. Nguyên tắc ứng xử đạo đức được Khổng Tử cụ thể hóa thành một nguyên tắc trong hành đạo, trong quan hệ với người trong thiên hạ, đó là điều gì bản thân mình không muốn thì không nên làm cho người khác, và phải biết giúp đỡ người khác để cùng nhau thành công: Khổng Tử viết: “Người nhân, mình muốn tự lập thì cũng thành lập cho người; mình muốn thành công thì cũng giúp người thành công. Biết từ bụng ta suy ra bụng người, (mình muốn gì thì giúp người được cái đó) đó là phương pháp thực hành của người nhân” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.119).

Đức tính thứ hai của người “quân tử” là “Lễ”. Theo quan điểm của Khổng Tử, người “quân tử” phải biết “Lễ”, tức là phải biết thực hiện thờ cúng và các nghi thức lễ bái thần linh. Ngoài ra, còn có thể hiểu “Lễ” là những quy tắc mang tính pháp luật quy định về các mối quan hệ trong xã hội, nhằm ổn định trật tự của xã hội. Hữu Tử, học trò thân cận của Khổng Tử bàn về công dụng của “Lễ” như sau: “Công dụng của lễ nghi, quí nhất là để điều hòa (cho thích hợp và hòa hợp). Phép trị nước của Tiên vương nhờ có đó mà hoàn mĩ, việc lớn việc nhỏ đều theo lễ cả. Tuy nhiên, có điều này (Tiên vương) không làm: biết công dụng của lễ là hòa, mà chỉ trọng hòa (khí), không dùng lễ để tiết chế (thì sẽ phóng đãng). Đó là việc không nên làm(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.32). Như vậy, Lễ” có thể hiểu đơn giản là những tiêu chuẩn đạo đức mà con người cần tuân theo trong các mối quan hệ trong xã hội và với trời để cho mọi việc luôn trật tự, ổn định, như là các tiêu chuẩn đạo đức trong các quan hệ giữa con cái và cha mẹ, ông bà; giữa bề tôi với vua; giữa con người với trời thông qua các nghi thức tế lễ. Chính những giá trị đạo đức đó giúp hạn chế hành động của con người trong những giới hạn nhất định mà trong giới hạn đó xã hội sẽ ổn định và thịnh trị. Nếu con người hiểu biết và thực hiện đúng những “Lễ” ấy sẽ được người đời kính trọng, như Khổng Tử dạy: “Người trên ham lễ nghĩa thì dân sẽ dễ sai khiến(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.250), và đây cũng là những yêu cầu bắt buộc của người “quân tử” phải thực hiện để tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện nhân cách bản thân.

Đức tính thứ ba là “Nghĩa”, Khổng Tử quan niệm người “quân tử” chỉ nên làm những điều hợp với đạo lý, không nên làm những điều trái đạo lý, suốt đời hành thiện giúp đỡ mọi người. Làm được như thế tự nhiên người đời sẽ tôn trọng. Khổng Tử viết: “Xử với dân mà nghiêm trang thì dân cung kính. Hiếu thuận (với cha mẹ) từ ái (với người dưới) thì dân trung thành. Cất nhắc người tốt đẹp, dạy dỗ người không tốt thì dân khuyên nhau làm điều thiện(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.49). Như vậy, có thể hiểu “Nghĩa” là khuyên con người nên hành động thuận theo đạo lý, tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội, có như vậy mới là người “quân tử”.

Đức tính thứ tư là “Trí”, người “quân tử’ cần có đủ những tri thức để có thể suy xét, đánh giá mọi việc để có thể hành động đúng đắn, không trái với đạo đức. Khổng Tử cho rằng, trước những biến đổi của thời cuộc thì phải có tri thức mới có thể hành động đúng, và để có được tri thức thì phải học tập, chỉ có học tập mới đem đến tri thức cho con người. Khổng Tử còn cho rằng, một tri thức rất quan trọng mà con người cần phải biết đó là đạo trời, hay nói cách khác là những quy luật tồn tại và biến đổi của vạn vật tuân theo mệnh trời. Nắm được mệnh trời để hành động cho phù hợp chứ con người không thể nào thay đổi được mệnh trời, đây là một quan niệm còn hạn chế của Khổng Tử về “thiên mệnh”.

Đức tính thứ năm là “Tín”, người có đức “Tín” là lời nói và hành động của họ luôn phù hợp với nhau, luôn có được niềm tin ở mọi người. Khổng Tử đánh giá cao công dụng của đức tính này, ông cho rằng nó sẽ giúp hoàn thành công việc dễ dàng hơn. Khổng Tử viết: “Người quân tử lấy nghĩa làm gốc, theo lễ mà làm, nói năng khiêm tốn nhờ thành tín mà nên việc, như vậy thật là người quân tử(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.260). Ngoài ra, Khổng Tử rất xem trọng việc học chữ tín của học trò, ông xếp ngay sau nội dung giáo dục hiếu đễ, cho thấy ông đã nhận thức được sự cần thiết của đức “Tín” trong việc tu dưỡng đạo đức của người “quân tử”, Khổng Tử ví đức tính này quan trọng như cái “đòn nghê” của chiếc xe lớn: Khổng Tử viết: “Người mà không có đức tín thì không hiểu sao thành người được (hoặc làm nên việc được). Cũng như xe lớn không có đòn nghê (đòn gỗ ngang để buộc trâu); xe nhỏ không có đòn ngột (đòn gỗ công để buộc ngựa) làm sao mà đi đc?(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.51).

Nội dung giáo dục của Khổng Tử được xác định dựa vào nhu cầu của thực tiễn xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Ngoài chủ trương giáo dục đạo đức để hoàn thiện nhân cách của con người, trong khi dạy học Khổng Tử còn chia nội dung giáo dục của mình thành bốn phạm vi phù hợp với năng lực của học trò để có thể đạt được mục tiêu giáo dục của mình, bốn phạm vi học thuật đó là đạo đức, ngôn ngữ, chính trị và văn học. Trong đó, đạo đức giúp cho con người có thể phát triển những phẩm chất đạo đức của bản thân; ngôn ngữ thì thích hợp với những người “biện luận lý thuyết” với mọi người; những nội dung chính trị giúp cung cấp các tri thức cần thiết cho những người hoạt động chính trị; còn văn học dành cho những người muốn nghiên cứu sâu về văn chương. Với việc chia nội dung giáo dục thành nhiều phạm vi cụ thể phù hợp với năng lực của người học đã giúp Khổng Tử đào tạo ra rất nhiều học trò tài giỏi và nổi tiếng. Khổng tử viết: “Những môn sinh theo ta (chịu khốn) ở nước Trần, nước Thái, nay không còn học ta nữa”. Đức hạnh (đáng khen nhất) có Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung; giỏi ăn nói, từ lệnh có Tể Ngã, Tử Cống; giỏi về chính trị có Nhiễm Hữu, Quí Lộ; giỏi về văn học có Tử Du, Tử Hạ(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.180).

Tài liệu mà Khổng Tử sử dụng trong quá trình dạy học là Ngũ Kinh. Vào thời Khổng Tử có đến sáu tập kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, nhưng đến thời đại của Tần Thủy Hoàng thực hiện chính sách “đốt sách chôn Nho” đã tiêu hủy gần như toàn bộ văn bản của kinh Nhạc, sau này chỉ còn một phần gộp thành một chương trong kinh Lễ gọi là Nhạc ký. Chính vì điều này mà người đời sau chỉ biết đến năm tập kinh còn lại nên gọi là Ngũ kinh.

Trong Ngũ Kinh, kinh Thi được Khổng Tử xem trọng nhất, nên nó được xếp đứng đầu trong Ngũ Kinh, sau đó là kinh Thư, kinh Lễ, kinh Dịch, kinh Xuân Thu. Khổng Tử từng nói: “Học Thi để phấn khởi, học Lễ để lập thân, hoàn thành sở học bằng Nhạc(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.143), cho thấy Khổng Tử rất xem trọng giá trị giáo dục của ba tập Kinh này. Kinh “Thi”, là tập hợp các bài thơ của các bậc cổ nhân, thánh hiền có khả năng làm rung động lòng người một cách sâu sắc nhất, khơi dậy, cổ vũ ý chí của con người. Kinh “Lễ” là tập hợp những quy tắc, lễ giáo và khuôn phép ứng xử trong xã hội. Nếu một người không biết tuân thủ những quy tắc ứng xử ấy sẽ không có được địa vị trong xã hội. Còn kinh “Nhạc” tức là âm nhạc, giúp điều hòa tính tình con người ở trạng thái ổn định, khiến cho con người trở về với chính đạo, làm những điều cao thượng. Khổng Tử còn cho rằng nội dung của ba tập Kinh này luôn có mối quan hệ với nhau, bổ trợ cho nhau trong quá trình hoàn thiện nhân cách con người. Trong sách Quan điểm Nho giáo về con người, về giáo dục và đào tạo con người, tác giả Nguyễn Thị Tuyết Mai đã đưa ra nhận định: “Nguyên lý giáo dục của Thi, Lễ, Nhạc của Khổng Tử chính là nhằm làm cho con người “thấu suốt về điều nghĩa, thuần thục về điều nhân”(nghĩa tinh nhân thục). Thi là để kích thích ý thức hướng thiện của con người, Lễ có thể chỉ ra quy tắc hoạt động cho con người, Nhạc có thể đào luyện tính tình của con người. Ba môn học đó không thể thiếu được trong bất cứ một nền giáo dục nào” (Nguyễn Thị Tuyết Mai, 2009, tr.94-95).

Quan điểm xem trọng giáo dục kinh Thi, kinh Lễ, kinh Nhạc của Khổng Tử còn được thể hiện trong lời dặn dò của ông đối với học trò, Khổng Tử nói: “Các trò sao không học Kinh thi? Kinh Thi có thể khiến con người ta phấn chấn, có thể khiến con người ta quan sát phong tục, có thể khiến con người ta hợp quần, có thể khiến con người ta phúng thích chính trị đương thời, gần thì biết đạo thờ cha, xa thì biết đạo thờ vua, lại biết được nhiều tên chim muông cỏ cây(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.289). Hay khi ông dạy con trai mình là Bá Ngư cũng cho thấy ba tập Kinh này là nội dung giáo dục rất quan trọng trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, “Khổng Tử bảo Bá Ngư: “Con đã học Chu Nam, Chiêu Nam chưa? Người nào không học Chu Nam, Chiêu Nam thì không khác đứng quay mặt sát vào tường(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.290).

Ngoài nội dung ba tập kinh Thi, Lễ, Nhạc là nội dung giáo dục cốt lỗi, Khổng Tử cũng sử dụng ba tập kinh Thư, Dịch, Xuân Thu để làm nội dung giáo dục cho học trò của mình. Kinh Thư có thể coi là một cuốn biên soạn lịch sử Trung Quốc thời cổ đại, kinh Dịch nói về các tư tưởng triết học của người Trung Quốc cổ đại, kinh Xuân Thu là cuốn sách ghi lại những biến cố xảy ra ở nước Lỗ cùng với những lời bình nhằm giáo dục các bậc vua chúa đương thời, có thể coi đây là một tác phẩm lý luận chính trị.

Nội dung của các tập kinh được Khổng Tử sử dụng để giáo dục con người, đào tạo nên những lớp người vừa có đạo đức, vừa có tri thức và tinh thần trách nhiệm để có thể cai trị thiên hạ. Tuy nội dung của các tập kinh không thể bao quát tất cả tri thức của các lĩnh vực do điều kiện nhận thức của con người bấy giờ còn hạn chế nhưng có thể coi đây là nội dung giáo dục hoàn thiện nhất thời bấy giờ, có thể đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đặt ra.

Một nội dung quan trọng bên cạnh tư tưởng giáo dục đạo đức của Khổng Tử đó là dạy về lục nghệ, bao gồm Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số. Kiến thức về lục nghệ đã ra đời trước thời Khổng Tử, nhưng nó đã trở thành một phần quan trọng trong nội dung giáo dục của Khổng Tử.

Lễ trong lục nghệ chỉ sự tôn kính của con người đối với quỷ thần và cả sự tôn trọng đối với thiên tử, sự kính trọng đó được thể hiện ở việc thực hiện nghiêm túc các nghi thức tế lễ trong các buổi cúng bái quỷ thần, các buổi lễ trong các hoạt động quân sự và cả những nghi lễ của lễ tưởng niệm, đám tang. Nhiều lần trong Luận ngữ, Khổng Tử đã tỏ thái độ tức giận khi chứng kiến các đại phu của nước Lỗ thực hiện các nghi thức không đúng đắn, hay trọng hình thức mà thiếu sự tôn nghiêm làm mất ý nghĩa thanh cao của các buổi lễ này. “Khổng Tử bàn về việc Quí Thị dùng vũ “bát dật” (của thiên tử) ở đại sảnh (họ Quí), bảo: “việc đó nhẫn tâm làm được thì việc gì mà không nhẫn tâm làm được?”” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.55), hay Khổng Tử nói: “Ở bậc trên mà không khoan hồng, làm lễ mà không nghiêm túc, gập việc tang mà không bi thương, hạng người như vậy còn có gì cho ta xét nữa” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.71).

Nhạc trong lục nghệ là môn học về âm nhạc cổ điển của các bậc cổ nhân, theo Khổng Tử âm nhạc cổ có sức mạnh rất lớn thay đổi tính tình của con người, vì vậy ông chủ trương dùng âm nhạc để giáo hóa lòng dân, thay đổi những thói hư tật xấu của con người, giúp cho quốc thái dân an. Âm nhạc còn có tác dụng giúp người trên hòa mình với dân chúng, thật sự đồng cảm nên sẽ cai trị hiệu quả hơn. Khổng Tử viết: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.143), cho thấy Khổng Tử đánh giá rất cao tác dụng của Nhạc trong giáo dục, cảm hóa con người.

Xạ trong lục nghệ là chỉ nghề bắn cung, thông qua các bài luyện tập bắn cung giúp con người rèn luyện được những đức tính rất giá trị trong cuộc sống đó là sự chính xác, tập trung cao độ trong công việc và cả sự siêng năng, kiên nhẫn tập luyện thường xuyên. Ngoài ra bắn cung còn giúp rèn luyện sức khỏe, có được những kỹ năng để có thể tự bảo vệ mình hoặc trong khi tham gia chiến trận thì những kỹ năng này cũng rất cần thiết.

Ngự trong lục nghệ chỉ nghề lái xe ngựa, vào thời cổ đại thì đây là một cách thức cao quý để thư giản và làm giảm đi căng thẳng sau những lúc học. Môn này đòi hỏi ở người học phải hội tụ nhiều yếu tố như kiến thức về cưỡi ngựa, sức dẻo dai cũng như khả năng xử lý công việc ở tốc độ cao. Với những kỹ năng hình thành từ môn lái xe ngựa cũng rất cần thiết và phù hợp khi tham gia chiến trận.

Thư trong lục nghệ chỉ việc viết thư pháp, môn học này giúp con người có thể tập cho mình khả năng kiềm chế bản thân và khuyến khích sự hoàn thiện trong công việc. Theo Khổng Tử thì chữ thư pháp cũng như là sự phản chiếu bản tính của người viết thư pháp vào từng nét chữ như là bộ mặt thứ hai mà thông qua đó người xem có thể nhận ra tính cách của người viết.

Số trong lục nghệ chỉ những tri thức toán học, những tri thức này có tầm ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Trung Quốc cổ đại. Các tri thức toàn học ngoài phục vụ cho việc tính toán đơn thuần trong xã hội bấy giờ thì nó còn ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của một số ngành khoa học đương thời như thiên văn học, y học.

Khổng Tử rất xem trọng những giá trị mà kiến thức của lục nghệ mang lại cho cho việc giáo hóa con người cũng như phù hợp với yêu cầu của xã hội bấy giờ, nên ngay từ thời trẻ Khổng Tử đã cố gắng luyện tập, trao dồi kiến thức về lục nghệ nên ông thông thạo cả sáu môn này, cho nên khi ông dạy lại cho học trò của mình cũng rất dễ dàng.

Tóm lại, Khổng Tử coi những kiến thức trong Lục kinh là tài liệu chủ yếu và quan trọng nhất để giảng dạy cho học trò. Khi giảng dạy ông tập trung vào bốn lĩnh vực chính phù hợp với năng lực của từng nhóm học trò, đó là đạo đức, ngôn ngữ, chính trị và văn học, lấy điều kiện thực tiễn làm cơ sở để chúng minh cho đạo lý và lấy nhu cầu của xã hội để làm mục tiêu giáo dục. Ngoài ra, ông còn kết hợp dạy những tri thức về lục nghệ cho học trò, nhưng trọng tâm giáo dục của ông vẫn là giáo dục hoàn thiện các hành vi đạo đức và ý thức trách nhiệm với xã hội, tuy nhiên ông lại không đưa những tri thức về tự nhiên và hoạt động lao động sản xuất vào nội dung giảng dạy.

2.4.VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

Ngoài quan điểm về chủ trương giáo dục, đối tượng và nội dung giáo dục, Khổng Tử còn chỉ ra những phương pháp để giáo hóa con người, những phương pháp này không những có giá trị đối với giáo dục và xã hội Trung Quốc cổ đại mà còn có những sự tác động đến nền giáo dục của Việt Nam hiện nay. Khổng Tử là một nhà giáo dục lớn, có thể khẳng định những tư tưởng về phương pháp giáo dục chính là những yếu tố tạo nên sự nghiệp giáo dục vĩ đại của ông. Có thể tổng hợp một số phương pháp giáo dục của Khổng Tử như: Phương pháp nêu gương; phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng người học; phương pháp gắn tri thức với thực tiễn, học đi đôi với hành; phương pháp phát huy tính chủ động, sự yêu thích học tập ở người học; phương pháp ôn tập, kiểm tra kiến thức thường xuyên, ôn cái cũ để biết cái mới.

Một là, phương pháp nêu gương. Trong quá trình dạy học, Khổng Tử thường đưa các bậc thánh nhân xưa ra để làm gương, lấy nhân cách của họ để tác động đến người học. Khổng Tử quan niệm để có thể giáo dục con người, tức là “làm thầy dạy cho thiên hạ” thì người thầy không chỉ phải có kiến thức cao thâm để có thể dạy tốt về kiến thức chuyên môn, mà còn đòi hỏi ở người thầy phải có một tư cách, đạo đức tốt để có thể cho người học tôn trọng và noi theo. Ngoài ra, Khổng Tử còn xây dựng những nguyên tắc đạo đức của những hình mẫu người trong xã hội như “quân tử”, “tiểu nhân” để học trò có thể noi theo đó mà rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cũng như tránh những điều xấu để có thể đạt đến một nhân cách hoàn thiện.

Bản thân Khổng Tử cũng là một tấm gương sáng về đạo đức và nghị lực học tập cũng như tài năng rất xứng đáng để học trò noi theo, cuộc đời Khổng Tử là một quá trình học tập liên tục, học ở tất cả mọi người vì ông luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Không chỉ cố gắng học tập kiến thức mà ông cũng là một tấm gương sáng về sự tự tu dưỡng đạo đức, luôn đặt mình trong những nguyên tắc đạo đức chuẩn mực để bản thân không làm sai với đạo lý. Chính vì những tài năng, tri thức và đức độ của mình mà Khổng Tử được học trò rất kính trọng, được người đời sau tôn xưng là “Vạn thế sư biểu”.

Hai là, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng người học. Đây là một quan điểm giáo dục rất tiến bộ của Khổng Tử, cho đến hiện nay ở một số nền giáo dục tiến bộ của thế giới vẫn còn áp dụng và đạt được thành công với phương pháp này. Đó là phương pháp dựa trên sở thích, năng lực của người học mà xác định những nội dung và phương pháp giáo dục một cách phù hợp nhất. Cho nên Khổng Tử viết: “Người ta có tư chất từ bậc trung trở lên thì có thể giảng đạo lý cao xa cho được; người có tư chất từ bậc trung trở xuống, không thể giảng cho đạo lý cao xa được” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.114). Học trò của Khổng Tử còn được ông phân loại theo bốn lĩnh vực giáo dục cụ thể, đó là đạo đức, ngôn ngữ, chính trị và văn chương, và không phải ngẫu nhiên mà Khổng Tử phân loại học trò của mình như vậy mà ông dựa vào sở thích, trình độ học vấn và cả điều kiện sống của từng học trò để có thể xác định được vấn đề “dạy cái gì” để có thể phát huy hết khả năng của người học.

Phương pháp giáo dục tiến bộ này của Khổng Tử còn được thể hiện trong cách ông giải thích cùng một vấn đề cho từng học trò khác nhau. Trong thiên Vi chính, Mạnh Ý Tử hỏi về hiếu đạo, Khổng Tử nói rằng: “Không trái” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.40); Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo, Khổng Tử nói rằng: “Cha mẹ chỉ lo cho con bị bệnh tật” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.41); Tử Du hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử nói: “Ngày nay người ta cho hiếu là có thể nuôi cha mẹ, nhưng đến chó, ngựa kia, người ta cũng nuôi, nếu không kính cha mẹ thì có khác gì ?” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.42); Tử Hạ hỏi về hiếu đạo, Khổng Tử đáp: “Khó ở cho giữ được nét mặt vui vẻ. Khi cha có việc, con phải khó nhọc (để giúp cha), hoặc khi có cơm rượu, mời cha ăn uống, như vậy đủ gọi là hiếu chăng? (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.43). Với cùng một vấn đề nhưng Khổng Tử có những cách lập luận, giải thích khác nhau đối với từng học trò không phải vì quan điểm của ông không thống nhất mà vì dựa vào trình độ nhận thức, cả tính tình của học trò mà Khổng Tử lựa chọn cách giải thích khác nhau, thích hợp nhất với từng đối tượng người học.

Để có thể thành công với phương pháp giáo dục này không chỉ yêu cầu người dạy có kiến thức rộng và vững vàng mà còn đòi hỏi người dạy phải thật sự quan tâm, nắm được tâm lý, tính tình và trình độ của học trò để có được cách dạy phù hợp, phát huy tối đa năng lực của người học, những điều này Khổng tử làm rất tốt và có thể coi Khổng Tử là người đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của phương pháp giáo dục tiến bộ này. Phương pháp dạy học này của Khổng Tử được các thế hệ nhà Nho về sau kế thừa, vận dụng và phát triển, đặc biệt là Mạnh Tử đã cụ thể hóa tư tưởng của Khổng Tử thành năm cách dạy tương ứng với năm hạng người trong xã hội.

Ba là, phương pháp học phải đi đôi với hành, kiến thức phải gắn liền với thực tiễn. Khổng Tử rất quan tâm đến việc luyện tập và vận dụng những kiến thức, ông cho rằng học mà không mang những kiến thức đó ra giúp đời thì không gọi là học, quan điểm này thống nhất với chủ trương giáo dục của Khổng Tử, học tập để ra giúp đời, tham gia cai trị thiên hạ, giữ yên cuộc sống cho dân. Khổng Tử viết: “Đọc ba trăm thiên Kinh thi, giao cho việc chính trị mà làm không nên; sai đi sứ bốn phương mà không biết ứng đối, như vậy đọc nhiều để làm gì?” (Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.214).

Khổng Tử yêu cầu học trò phải thường xuyên ôn luyện kiến thức bằng sự vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn, chứ không phải chỉ đọc đi đọc lại trong sách vở vì việc ôn luyện như thế chỉ làm cho người học dễ cảm thấy chán và không thực sự nắm vững kiến thức bằng việc thực hành. Khổng Tử nói: “Học mà mỗi buổi mỗi tập, chẳng cũng thích ư?(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.25). Thông qua việc thường xuyên ôn luyện và thực hành giúp cho người học có thể nắm vững và vận dụng những kiến thức đã được học vào đời sống hiện thực, và theo Khổng Tử đây là cơ sở để có thể tiếp thu những kiến thức mới. Khổng Tử nói: “Ôn lại những điều cũ mà biết được điều mới (hoặc: ôn lại điều mình đã biết mà thêm điều mới) như vậy có thể làm thầy được(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.44).

Bốn là, phương pháp dạy học gây sự hứng thú học tập, phát huy tính tinh thần tự giác, sự nỗ lực của người học. Nếu có được sự hứng thú và đam mê vào một vấn đề nào đó thì con người sẽ cố gắng để đạt được đam mê của mình. Học tập cũng như vậy, Khổng Tử cho rằng nếu học tập mà không có sự thích thú gì với nó thì sẽ không đạt được thành tựu gì. Vì vậy, sự hứng thú cũng rất quan trọng trong việc người học có thể lĩnh hội được đạo lý nhiều hay ít, Khổng Tử từng nói: “Biết (đạo lý) không bằng thích nó; thích nó không bằng vui làm theo nó (hoặc coi nó là một thú vui)(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.114). Có thể thấy nếu thật sự đam mê nghiên cứu một vấn đề nào đó thì tự nhiên sẽ cảm thấy vui, đó chính là “niềm vui của sự hứng thú” như Khổng tử nói: “Học mà mỗi buổi mỗi tập, chẳng cũng thích ư?(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.25). Như vậy, niềm đam mê, hứng thú đối với việc học là một nhân tố rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công trong quá trình học tập của người học, như tác giả Nguyễn Thị Tuyết Mai nhận định: “Có được sự hứng khởi, thích thú đối với việc học đạo, cầu đạo thì mới đạt được như vậy. Và việc hết sức chú trọng bồi dưỡng hứng thú của đệ tử là một nguyên tắc giáo dục của Khổng Tử” (Nguyễn Thị Tuyết Mai, 2009, tr.107).

Bên cạnh yếu tố hứng thú học tập, Khổng Tử còn cho rằng học tập mà không tự giác, cứ trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác thì sẽ khó đạt đến giới hạn của việc học đạo và cũng khó có được những ý kiến mới. Nhận thức được sự quan trọng của yếu tố này cho nên Khổng Tử luôn khuyến khích tinh thần tự giác của Khổng Tử, ông từng nói: “Anh Hồi không giúp ta được điều gì, lời giảng dạy nào của ta, anh ấy cũng thích” (Ý nói Nhan Hồi không nghi hoặc, chất vấn gì cả, không gợi thêm ý gì cho Khổng Tử cả)(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.181). Có thể thấy Khổng Tử luôn muốn học trò có thể tập cách tư duy độc lập, từ những điều được thầy dạy có thể suy ra các vấn đề khác có liên quan, có như thế thì mới không bị quá lệ thuộc vào thầy. Sách Luận ngữ có ghi lại một lần Khổng Tử và Tử Hạ bàn về kinh Thi, sau đó Tử Hạ hỏi về Lễ  làm cho Khổng Tử rất vui mừng: “Tử Hạ hỏi: “(Kinh Thi nói): Miệng xinh chúm chím cười, mắt đẹp long lanh sáng, trên nền trắng vẽ mầu sặc sỡ”, nghĩa là thế nào ? Khổng Tử đáp: “Có sẵn nền trắng rồi sau mới vẽ”. Tử Hạ (lại hỏi): “(nghĩa là) lễ phải ở sau (nhân) chăng?” Khổng Tử nói: “Anh Thương phát khởi được ý ta, như anh mới có thể giảng Kinh Thi cho được.(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.59).

Nếu muốn đạt được tri thức thì không còn con đường nào khác ngoài nỗ lực học tập, không biết mà còn không cố gắng học tập thì “không còn thuốc chữa”, bất cứ việc học hay là việc gì nếu chỉ dựa vào những năng lực bẩm sinh đã có mà không cố gắng và nỗ lực học tập thì sẽ không đạt được thành công.

Tuy Khổng Tử quan niệm người học phải có tư duy độc lập, nhưng ông cũng quan niệm rằng phải học tập những điểm hay ở người khác và tránh những điểm xấu để có thể mở rộng kiến thức của bản thân. Ngoài học tập cùng thầy thì bạn bè và mọi người xung quanh chúng ta cũng có thể dạy chúng ta những điều bổ ích, Khổng Tử nói: “Thấy người hiền tài thì mong làm sao bằng người; thấy người bất hiền thì phải tự xét mình (có mắc tật của người đó không)(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.80). Khổng Tử chủ trương học ở tất cả mọi người, dù là hạng người nào thì cũng đều có thể học tập nếu chúng ta biết cách chắt lọc những giá trị phù hợp với bản thân, chính vì vậy mà ông không có một người thầy cố định nào, Khổng Tử từng nói: “Ba người cùng đi (ta với hai người nữa ) tất có người làm thầy ta: lựa cái hay của người này mà học, xét cái quấy của người kia mà sửa mình(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.130).

Trong phương pháp giáo dục này Khổng Tử có quan điểm rất tiến bộ khi ông đã thấy được sự tác động tích cực của các yếu tố sự hứng thú học tập; tinh thần tự giác, sự nỗ lực của bản thân và cả tinh thần học tập lẫn nhau đến kết quả và sự thành công của việc học tập. Vì thế mà Khổng Tử thường quan tâm và rèn luyện những yếu tố này cho học trò.

Năm là, phương pháp ôn cái cũ để biết cái mới, ôn tập thường xuyên. Khổng Tử sinh ra và lớn lên trong điều kiện chiến tranh loạn lạc của thời Xuân Thu, các giá trị đạo đức, trật tự xã hội bị đảo lộn và đời sống người dân không còn thịnh trị như thời Tây Chu, chính điều kiện này cũng đã tác động đến Khổng Tử hình thành phương Pháp giáo dục “ôn cố tri tân”, tức là học để biết về những thành công trong quá khứ, phấn đấu để đạt khôi phục lại những thành công quá khứ. Khổng Tử viết: “Ôn lại những điều cũ mà biết được điều mới (hoặc: ôn lại điều mình đã biết mà thêm điều mới) như vậy có thể làm thầy được(Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.44).

---

Lê Chí Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

Your Ad Spot