Đến giữa thế kỷ XIX, với việc giai cấp tư sản nhiều nước Châu Âu lần lượt giành được chính quyền, triết học cận đại cũng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó trong cách mạng tư sản. Từ sau đó, triết học này đã dần xa rời truyền thống duy vật và biện chứng của triết học Anh, Pháp, Đức, trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Nó chuyển hướng sang chủ nghĩa duy tâm và phép siêu hình nên không còn đưa ra được một thế giới quan tích cực, giàu sức sống như nó đã từng thể hiện trong mấy thế kỷ trước. Từ đầu thế kỷ XX, nhất là sau chiến tranh thế giới thứ hai, triết học phương Tây hiện đại không ngừng phân hóa thành nhiều trường phái, nhưng xoay quanh hai trào lưu chủ yếu, đó là chủ nghĩa duy khoa học và chủ nghĩa nhân bản phi duy lý.
Vì sao có sự chuyển hướng đó trong triết học
tư sản hiện đại?
Ở thời kỳ chủ nghĩa tư bản đi lên, chủ nghĩa
duy lý và chủ nghĩa nhân đạo đã từng là hai vũ khí tư tưởng của giai cấp tư sản
chống lại chế độ phong kiến và thần học và chủ nghĩa kinh viện. Lúc đó, giai cấp
tư sản tôn sùng lý tính, đề cao khoa học và chủ nghĩa nhân đạo để dùng chúng chống
lại tôn giáo và chế độ chuyên chế phong kiến. Trong cuộc đấu tranh của giai cấp
tư sản nhằm xác lập và phát triển chủ nghĩa tư bản, thì chủ nghĩa duy lý và chủ
nghĩa nhân đạo thống nhất với nhau và đã có vai trò lịch sử tiến bộ.
Sau khi giành được chính quyền, giai cấp tư sản
buộc phải đối phó với những lực lượng xã hội mới và các mâu thuẫn xã hội mới
ngày càng bộc lộ gay gắt. Họ không còn nhu cầu chống lại thần học, tôn giáo như
trước đây. Nhưng để phát triển sức sản xuất, củng cố sự thống trị của bản thân
họ, giai cấp tư sản cần phát triển khoa học kỹ thuật. Vì vậy, giai cấp này tìm
cách điều hoà mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo. Dưới chế độ tư bản, tiến bộ
của khoa học kỹ thuật đã thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn không
đưa lại “tự do, bình đẳng, bác ái”. Trái lại, nó còn dẫn đến các cuộc khủng hoảng
xã hội, khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng sinh thái ngày càng sâu sắc, đẩy con
người vào tình trạng tha hoá toàn diện ngày càng nặng nề hơn.
Trong điều kiện lịch sử đó, trong triết học
phương Tây đã diễn ra sự tách biệt và sự đối lập giữa chủ nghĩa duy lý và chủ
nghĩa nhân bản. Để phát triển sản xuất, gia tăng lợi nhuận, giai cấp tư sản cần
đến khoa học, nhưng lại lý giải khoa học một cách duy tâm, do đó đã hình thành
trào lưu triết học duy khoa học theo lập trường duy tâm đẩy mâu thuẫn trong vấn
đề con người và xã hội, giai cấp tư sản không muốn thừa nhận các quy luật khách
quan của sự phát triển nên họ đề cao chủ nghĩa phi duy lý. Do đó đã hình thành
trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý. Trào lưu duy khoa học và trào lưu phi
duy lý dường như đối lập nhau, nhưng trên thực tế lại bổ sung nhau, vì chúng đều
cần thiết cho sự ổn định và phát triển của xã hội tư bản, đều là phản ánh mâu
thuẫn trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại. Với hoàn cảnh ra đời và phát triển
trên, triết học Phương Tây hiện đại có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ
nhất, tiếp tục có ý đồ vượt lên trên sự đối lập
giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm
Trào lưu chủ nghĩa duy khoa học nhấn mạnh việc
chống "siêu hình", trào lưu chủ nghĩa nhân bản nhấn mạnh việc chống
"nhất nguyên luận", đều là nhằm phủ nhận vấn đề quan hệ giữa tư duy
và tồn tại là vấn đề cơ bản của triết học. Trong khi đó họ lại coi những vấn đề
như: lôgíc khoa học, phương pháp luận khoa học, ý nghĩa kết cấu của ngôn ngữ, vấn
đề quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy, cả những vấn đề tình cảm, ý chí của con người,
v.v.. mới là những vấn đề trung tâm của triết học. Họ tuyên bố chống cả chủ
nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, triết học của họ là "toàn diện nhất",
"công bằng nhất", "mới nhất". Trên thực tế bằng cách này
hay cách khác họ vẫn không tránh khỏi giải đáp một cách duy tâm về vấn đề cơ bản
của triết học* Các trường phái chủ nghĩa duy khoa học đã kế thừa chủ nghĩa hiện
tượng và chủ nghĩa bất khả tri của triết học Hium và Cantơ cho rằng mọi tri thức
chỉ bắt nguồn từ kinh nghiệm mà không thừa nhận nội dung khách quan của kinh
nghiệm. Họ tách rời kinh nghiệm với thực tại khách quan được kinh nghiệm phản
ánh, tách rời hiện tượng với bản chất. Họ phủ nhận việc con người có thể nhận
thức được thực tại khách quan, và chỉ giới hạn sự nhận thức của con người trong
phạm vi hiện tượng. Họ cho rằng mọi khái niệm và lý luận khoa học đều chỉ là giả
thiết tiện lợi, do chủ quan hư cấu, đều chỉ là công cụ của con người, không có
tính khách quan.
Trào lưu nhân bản chủ nghĩa, mặc dù lấy con
người làm trung tâm của sự phân tích triết học, nhưng một khi đã coi những thuộc
tính tình thần của cá nhân như ý chí, tình cảm, vô thức, bản năng.v.v.. là bản
chất của con người và là nguồn gốc của thế giới thì hiển nhiên cũng là duy tâm.
Chủ nghĩa nhân bản phi duy lý cũng trực tiếp phủ nhận việc con người có thể nhận
thức được quy luật khách quan bằng lý tính, cho rằng lý trí chỉ đạt đến hiện tượng
còn trực giác thần bí mới đạt đến bản chất. Đó là khuynh hướng bất khả tri.
Tuy nhiên, cả hai trào lưu lớn trong triết học
phương Tây hiện đại đã coi trọng nghiên cứu nhiều vấn đề mới về con người; đã
khái quát về mặt triết học một số thành quả của khoa học tự nhiên, và có những
khám phá có giá trị nhất định đối với quá trình nhận thức khoa học. Chúng ta có
thể kế thừa có chọn lọc, có phê phán những thành quả đó.
Tính chất duy tâm của triết học phương Tây hiện
đại càng thể hiện rõ rệt hơn trong triết học lịch sử và trong xã hội học của
nó. Điều đó thể hiện ở chỗ các trường phái thuộc hai trào lưu lớn đều phủ định
tính quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Trào lưu chủ nghĩa duy khoa học
duy tâm dừng lại ở cảm giác và kinh nghiệm hoặc giải thích duy tâm đối với các
quy luật xã hội, đã phủ nhận tính khách quan của các quy luật đó.
Ở các nhà triết học thuộc trào lưu nhân bản
chủ nghĩa phi duy lý thì tính quy luật khách quan của sự phát triển xã hội còn
bị phủ định triệt để hơn.
Đương nhiên, trong tư tưởng và luận điểm của
một số nhà triết học phương Tây hiện đại cũng có nhân tố và khuynh hướng duy vật.
Nhưng điều đó không hề làm thay đổi tình hình cơ bản nói trên.
Thứ
hai, xa rời phép biện chứng
Giai cấp tư sản từ lâu đã mất đi bản chất
cách mạng nên không thể tiếp thu phép biện chứng duy vật. Trước thế kỷ XX triết
học tư sản thường thông qua việc giải thích sai lệch phép biện chứng của Hêghen
để chống lại phép biện chứng duy vật. Điển hình cho khuynh hướng đó là chủ
nghĩa duy ý chí và chủ nghĩa Cantơ mới. Đến thế kỷ XX nó không chỉ dùng quan điểm
siêu hình, cô lập và tĩnh tại để bác bỏ phép biện chứng nữa, mà còn tuyên truyền
tiến hóa luận tầm thường.
Các trường phái triết học phương Tây hiện đại
chỉ thừa nhận biến đổi về lượng chứ không thừa nhận biến đổi về chất, hoặc tuyệt
đối hóa quá trình vận động, phủ nhận sự đứng im tương đối, làm cho phép biện chứng
mang màu sắc thần bí.
Thứ
ba, phá vỡ sự thống nhất giữa bản thể luận, nhận
thức luận và logic học
Bước vào thế kỷ XX, Chủ nghĩa tư bản lũng đoạn
nhà nước đã bộc lộ tính bảo thủ triết học của nó cũng phơi bày sự bất lực trong
việc xây đựng những học thuyết hoàn chỉnh, nhất quán, những tổng hợp triết học
lớn. Đã không còn mang một hình thức lí luận thống nhất và hoàn chỉnh. Nó phá vỡ
sự thống nhất của bản thể luận, nhận thức luận và logic học, đề cao khoa học để
hạ thấp triết học, quy triết học là sự tổng hợp của các khoa học cụ thể hoặc sự
phân tích về phương pháp mà thực chất là
nhằm thủ tiêu triết học.
Nhà lịch sử triết học ngưòi Pháp Emilê
Bréhier đã nhận xét về nền triết học tư sản hiện đại: "Thời đại chúng ta
không được chứng kiến sự phồn vinh của các hệ thống". Chủ nghĩa thực chứng
là trào lưu nổi bật trong thế giới tư bản hiện đại, nhưng người ta cũng thấy nó
không tự tổ chức thành hệ thống theo phương thức của chủ nghĩa duy lý siêu hình
cổ điển. Quả thực, sau Heghel, sự kiêng dè đối với hệ thống đã làm cho mọi triết
học duy tâm tư sản đều mang bộ mặt "chống hệ thống".
Không còn những hệ thống triết học lớn mà chỉ
còn sự phân mảnh của những chủ đề. Chủ nghĩa thực chứng quy toàn bộ tri thức
triết học thành những bản tóm lược quy nạp do các khoa học chuyên môn đưa lại.
Có bao nhiêu khoa học thì có bấy nhiêu trí thức. Sự xé nhỏ của chủ đề đã làm
tan biến "hệ thống triết học”.
Không còn mục tiêu tổng quát là cải tạo xã hội
để dựng lên một tổng hợp triết học, triết học tư sản giờ đây chỉ quan tâm tới mục
tiêu cục bộ.
Chủ nghĩa thực chứng chỉ còn tự nhận mình là
"triết học của khoa học", là "tri thức học" của khoa học.
Xuống thang hơn nữa, chủ nghĩa hiện sinh, nhân học triết học chỉ còn quan tâm tới
thân phận, tới bản chất người trừu tượng, nói rõ hơn, tới cái bản chất sinh học
ấy là bản năng bạo hành (triết học đời sống), ấy là cái "tôi chủ thể"
(hiện tượng học), ấy là cái năng lực "thông hiểu" của con người (chú
giải học).
Thứ tư, đặt ra được nhưng không giải quyết đúng một số vấn đề cấp
bách hiện nay của nhân loại
Về tổng thể, triết học tư sản hiện đại xuất
hiện với tư cách là hình thái ý thức của giai cấp tư sản, nhưng khuynh hướng
chính trị của các trường phái lại có sự khác biệt nhất định
Trong đó, có trường phái phản mácxít cực kỳ
phản động, biện hộ một cách lộ liễu cho chủ nghĩa tư bản; cũng có trường phái bộc
lộ trạng thái hoang mang của tầng lớp trung gian đối với sự khủng hoảng của xã
hội tư sản, v.v.. Có một số trường phái triết học đã tiến hành nghiên cứu một số
vấn đề cấp bách của thời đại và đã đạt được kết quả nhất định, nhưng do hạn chế
bởi lập trường chính trị giai cấp và của phương pháp nhận thức, nên những
nghiên cứu đó chưa đưa lại sự giải thích và câu trả lời đúng đắn cho các vấn đề
đặt ra
Hai trào lưu lớn đã đề cập hai loại vấn đề
tương đối quan trọng và cố gắng đưa ra câu trả lời. Đó là:
Một
là, vấn đề mối quan hệ giữa khoa học kỹ thuật
và con người. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có ý nghĩa gì đối với cuộc sống
của con người? Chủ nghĩa tư bản rốt cuộc có tiền đồ hay không? Tiền đồ của nhân
loại rốt cuộc sẽ ra sao? Trào lưu nhân bản chủ nghĩa hiện đại khi luận giải vấn
đề này, có lúc đã phát hiện đúng một số nhược điểm của chủ nghĩa kỹ trị và triết
học duy lý, đã vạch ra những mâu thuẫn, khủng hoảng, nhất là hiện tượng tha hóa
của xã hội phương Tây hiện đại. Nhưng họ lại giải thích mâu thuẫn cơ bản của chủ
nghĩa tư bản là do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và đời sống vật chất được
nâng cao mang lại. Điều đó rõ ràng là sai lầm.
Hai là, vấn đề làm thế nào từ tầm cao của triết học mà vạch ra được bản tính của khoa học và các quy luật phát triển của nó. Triết học về khoa học trong triết học phương Tây hiện đại đã có công đặt ra và xử lý một loạt các vấn đề có quan hệ biện chứng với nhau, như sự phát kiến khoa học và sự chứng minh khoa học; lý luận khoa học và hoạt động khoa học; những nhân tố bên trong của khoa học và những điều kiện bên ngoài của khoa học; sự phát triển bình thường của khoa học và bước thay đổi cách mạng của nó; phương pháp lôgic và phương pháp lịch sử, v.v.. Nhưng do các nhà triết học về khoa học ở phương Tây bị hạn chế ở lập trường duy tâm và thiếu sự tự giác vận dụng phép biện chứng, cho nên họ đã không thành công trong việc tổng kết và khái quát một cách đúng đắn những quy luật phát triển của khoa học hiện đại.
Tóm lại, các trào lưu triết học phương Tây hiện đại ngoài mácxít đã phản ánh được một số vấn đề mới của thời đại hiện nay, đã có những tìm tòi, hơn nữa còn đạt được một số thành quả nhận thức nhất định. Nhưng do sự hạn chế về lập trường chính trị giai cấp, do thế giới quan duy tâm và phương pháp siêu hình, họ vẫn không đưa ra được câu trả lời khoa học cho các vấn đề đó, càng không thể chỉ ra phương hướng tiến lên cho nhân loại. Sự thực đó lại một lần nữa chứng minh vai trò của triết học Mac trong thời đại hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét