Post Top Ad

Your Ad Spot

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Quan điểm của V.I. Lênin về đối tượng nghiên cứu của phép biện chứng, lý luận nhận thức và logic biện chứng

 


1.1.     Đối tượng nghiên cứu của logic biện chứng

Trong Bút ký triết học, lần đầu tiên Lênin nêu lên định nghĩa về logic biện chứng: “Logic không phải là học thuyết về những hình thức bên ngoài của tư duy, mà là học thuyết về những quy luật phát triển của tất thảy mọi sự vật vật chất, tự nhiên và tinh thần, tức là học thuyết về những quy luật phát triển của toàn bộ nội dung cụ thể của thế giới và nhận thức thế giới, tức là sự tổng kết, tổng số, kết luận của lịch sử nhận thức thế giới”1 . Lênin khẳng định rằng, logic biện chứng không như logic hình thức chỉ nghiên cứu những hình thức của tư duy, ông nhận xét và đồng ý với Hêghen: “Hêghen đòi hỏi một logic mà những hình thức phải là những hình thức có nội dung, những hình thức có nội dung thực tế, sinh động, gắn liền chặt chẽ với nội dung”2 .

Từ định nghĩa trên, ta có thể rút ra logic không nghiên cứu những hình thức bên ngoài của tư duy mà là nghiên cứu “nội dung cụ thể của thế giới” (hay những quy luật khách qua của thế giới vật chất) và sự nhận thức nội dung ấy. Logic biện chứng chuyển tính chính xác về hình thức của tư duy sang tính chân lý của tư tưởng. Trong định nghĩa đó cũng khẳng định nhận thức của con người có thể phản ánh được bản chất và quy luật khách quan của thế giới. Lênin còn cho rằng, logic biện chứng là học thuyết về những quy luật phát triển của toàn bộ nội dung cụ thể của thế giới và nhận thức thế giới. Ở đây, bản thể luận và nhận thức luận đã thống nhất. Tóm lại, đối tượng nghiên cứu của logic biện chứng là sự phản ánh của các quy luật khách quan của thế giới vào trong não của con người thông qua các quy luật, hình thức của tư duy và cả sự vận động và phát triển của các quy luật, hình thức của tư duy.

1.2. Đối tượng nghiên cứu của lý luận nhận thức

Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Lênin đã phê phán triết học của chủy nghĩa duy tâm đầu thế kỷ XX của giai cấp tư sản và đặc biệt trên lĩnh vực lý luận nhận thức. Trong Bút ký triết học, Lênin tiếp tục bàn đến vấn đề lý luận nhận thức và đi sâu vào quá trình biện chứng của nhận thức. Lênin cho rằng: “Nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bời con người, nhưng đó không phải là một phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn chỉnh mà là một quá trình cả một chuỗi những sự trừu tượng, sự cấu thành, sự hình thành các khái niệm, quy luật….- và chính các khái niệm, quy luật này,… bao quát một cách có điều kiện, gần đúng tính quy định quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn vận động và phát triển”3.

Con người thông qua các khái niệm, quy luật, phạm trù để phản ánh quy luật khách quan của giới tự nhiên. Nhưng Hêghen lại cho rằng, quy luật của giới tự nhiên do ý niệm tuyệt đối sinh ra, đã thần bí hóa quy luật. Lênin đã làm rõ đối tượng nhận thức của con người là giới tự nhiên. Lênin viết: “Ở đây, thật sự về khách quan có ba vế: 1) giới tự nhiên; 2) nhận thức của con người, = bộ óc của con người (với tư cách là sản phẩm cao nhất của giới tự nhiên đó) và 3) hình thức của sự phản ánh giới tự nhiên vào trong nhận thức của con người; hình thức này chính là những khái niệm, những quy luật, những phạm trù,…”4 . Có thể thấy, Lênin đã đứng trên lập trường duy vật khẳng định đối tượng nhận thức là giới tự nhiên tồn tại một cách khách quan, nhận thức của con người là tính thứ hai mà giới tự nhiên là tính thứ nhất.

1.3. Đối tượng nhận thức của phép biện chứng

Kế thừa tư tưởng về phép biện chứng trong lịch sử triết học và đặc biệt là triết học của Hêghen, Lênin đã nêu ra và trình bày một cách sáng tạo phép biện chứng duy vật. Theo Lênin, phép biện chứng nghiên cứu các quy luật chung nhất của phát triển, bao gồm cả tư duy của con người. Tính thống nhất của các quy luật phát triển và các quy luật nhận thức xuất phát từ chỗ, con người – một bộ phận của tự nhiên, sản phẩm cao nhất của tự nhiên trong việc cải tạo thực tiễn – nhận thức được phép biện chứng của tồn tại và phép biện chứng của các khái niệm, phản ánh và cảm thụ thế giới khách quan. Như vậy, phép biện chứng nghiên cứu sự vận động, phát triển tuân theo những quy luật khách quan của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và cả tư duy con người. Do đó, phép biện chứng không những là học thuyết về tồn tại, mà còn là lý luận nhận thức và tư duy logic.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

Your Ad Spot