Post Top Ad

Your Ad Spot

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Quan điểm của V.I. Lênin về sự thống nhất giữa phép biện chứng, lý luận nhận thức và logic biện chứng

 


2.1.     Sự đồng nhất của lý luận nhận thức và phép biện chứng và logic biện chứng

2.1.1.   Sự đồng nhất giữa logic biện chứng và lý luận nhận thức

Tìm hiểu nội dung của logic biện chứng, Lênin đã đọc Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất cuốn Khoa học Lôgích của Hêghen và ghi nhận tư tưởng của Hêghen: “Vận động của ý thức “giống như sự phát triển của toàn bộ đời sống của tự nhiên và tinh thần” là dựa trên “bản tính của những bản chất thuần túy hợp thành nội dung của lôgích””5 . Từ tư tưởng trên đây của Hêghen, Lênin đã rút ra quan niệm về sự đồng nhất giữa logic biện chứng và lý luận nhận thức: “Lôgích và lý luận nhận thức phải được suy diễn từ “sự phát triển của toàn bộ đời sống của tự nhiên và tinh thần””6 .

Lênin cho rằng cả logic biện chứng và cả lý luận nhận thức đều phải xuất phát từ “nội dung cụ thể của thế giới”, tức là những quy luật phát triển của thế giới. Lênin cho rằng, logic biện chứng “nhất trí” với lý luận nhận thức, những điều mà logic biện chứng phản ánh là phù hợp với chân lý, phù hợp với những tổng kết của lịch sử tư tưởng của loài người. Lênin viết: “Lôgích là học thuyết về nhận thức. Là lý luận nhận thức. Nhận thức là sự phản ánh tự nhiên bởi con người. Nhưng đó không phải là sự phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn chỉnh, mà là một quá trình cả một chuỗi sự trừu tượng, sự cấu thành, sự hình thành ra các khái niệm, các quy luật, các phạm trù,…” 7 . Tóm lại, theo Lênin, cả logic biện chứng và lý luận nhận thức đều có chung một điểm xuất phát, một đối tượng nghiên cứu chung, đó chính là những quy luật khách quan của thế giới vật chất. Logic biện chứng là sự phản ánh của các quy luật khách quan ấy vào trong tư duy của con người thông qua các quy luật và hình thức của tư duy, còn lý luận nhận thức hình thành các quy luật và hình thức của tư duy để thể hiện sự phản ánh các quy luật khách quan của thế giới vật chất. Cả hai ngành khoa học này tồn tại trong mối liên hệ chặt chẽ, có những nét tương đồng với nhau.

2.2. Sự đồng nhất giữa lý luận nhận thức và phép biện chứng

Lênin còn nhìn từ góc độ của phép biện chứng và lý luận nhận thức để giải thích sự thống nhất của “ba vế của khách quan”. Thế giới vật chất luôn luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng , cho nên sự phản ánh thế giới vật chất ấy cũng phải luôn vận động, biến đổi theo cho phù hợp, như thế thì sự phản ánh mới đúng đắn.

Khi nghiên cứu phần Ý niệm trong Khoa học Lôgích của Hêghen, Lênin viết: “Nhận thức là sự tiến gần mãi mãi và vô tận của tư duy đến khách thể. Phản ánh của giới tự nhiên trong tư tưởng con người phải được hiểu không phải một cách “chết cứng”, “trừu tượng”, không vận động, không mâu thuẫn, mà là trong quá trình vĩnh viễn của vận động, của sự nãy sinh mẫu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn đó”8 .

 Quá trình nhận thức của con người cũng chính là một quá trình biện chứng, là quá trình hình thành và tác động, chuyển hóa của những khái niệm trong tư duy của con người. Quá trình biện chứng của các khái niệm cũng chính là quá trình biện chứng của các sự vật, hiện tượng trong hiện thực, nên theo Lênin, nhận thức là một quá trình biện chứng và nhận thức luận cũng chính là phép biện chứng. Lênin viết: “Toàn bộ của tất cả các mặt của hiện tượng, của hiện thực và các quan hệ của chúng – đó là những cái hợp thành chân lý. Những quan hệ (= chuyển hóa = mâu thuẫn) của những khái niệm = nội dung của lôgích, hơn nữa những khái niệm ấy ( và những quan hệ, chuyển hóa và mâu thuẫn của chúng) đều được trình bày như là những phản ánh của thế giới khách quan. Biện chứng của sự vật sản sinh ra biện chứng của ý niệm, chứ không phải ngược lại”.9

Tóm lại, theo Lênin, lý luận nhận thức chính là sự phản ánh của biện chứng của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, cả hai ngành khoa học này đồng nhất với nhau ở chổ đối tượng nghiên cứu cơ bản chính là mối liên hệ, sự vận động và phát triển giữa các sự vật, hiện tượng – tức là biện chứng của thế giới.

2.3. Sự đồng nhất giữa phép biện chứng và logic biện chứng

Theo Lênin, phép biện chứng và logic biện chứng đồng nhất với nhau ở đối tượng nghiên cứu. Cả phép biện chứng và logic biện chứng đều nghiên cứu biện chứng – tức là mối liên hệ, tương tác, chuyển hóa, vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng nhưng ở phạm vi khác nhau. “Tính chất phổ biến của các quy luật của phép biện chứng, tức là sự hoạt động bao trùm tất cả mọi lĩnh vực của thế giới khách quan mà những quy luật đó trở thành quy luật của tư duy logic và của nhận thức”.10

 Có thể nói rằng các quy luật của phép biện chứng cũng chính là những quy luật của logic biện chứng, những quy luật và hình thức của tư duy cũng tồn tại trong mối liên hệ, chuyển hóa, luôn luôn vận động và phát triển. “Lôgic biện chứng không phải là một cái gì khác với phép biện chứng mà là một trong những mặt, những khía cạnh quan trọng của phép biện chứng. Mặt khác nó nghiên cứu xem những hình thức và quy luật của tư duy thế nào để phản ánh chân thực hiện thực khách quan” 11 .

2.2.          Sự khác biệt giữa logic biện chứng, lý luận nhận thức và phép biện chứng

2.2.1.   Sự khác biệt giữa logic biện chứng và lý luận nhận thức

Cả logic biện chứng và lý luận nhận thức đều nghiên cứu vấn đề biện chứng, là biện chứng chủ quan của con người. Nhưng biện chứng ấy được thể hiện bằng những phương pháp và phạm vi tác động khách nhau đối với từng ngành khoa học. Theo Lênin, nội dung chủ yếu của logic biện chứng là quan hệ và chuyển hóa của các khái niệm, là quan hệ mâu thuẫn của các khái niệm. Cho nên có thể nói trong logic biện chứng, biện chứng của thế giới được cụ thể thành biện chứng của tư duy, của các khái niệm. Lý luận nhận thức, theo Lênin, “Nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con người”12.

Là sự phản ánh mang tính chủ quan biện chứng khách quan vào trong bộ não người, hình thành tri thức của con người. Trong quá trình phản ánh ấy, lý luận nhận thức sử dụng các khái niệm, quy luật để nhận thức được thế giới. Là khoa học nghiên cứu về nhận thức của con người và loài người, lý luận nhận thức có nhiệm vụ chủ yếu là vạch ra những mối liên hệ có tính quy luật giữa các yếu tố, các giai đoạn, các cấp độ của quá trình nhận thức. Vấn đề cơ bản của lý luận nhận thức, như vậy, là vấn đề về tính thực tiễn của tri thức. So với lý luận nhận thức, logic học có phạm vi bao quát hẹp hơn, nó chỉ đề cập đến tư duy - một giai đoạn (giai đoạn cao) của nhận thức. Lý luận nhận thức nghiên cứu tư duy chủ yếu với tư cách một mắt xích trong tiến trình liên tục của nhận thức (từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn). Nhưng với lôgíc học thì vấn đề lại khác, lôgíc học là khoa học nghiên cứu về tư duy lôgíc, nhiệm vụ chủ yếu của nó là vạch ra cái logic của tư duy và vấn đề cơ bản của nó là vấn đề về tính chân thật hay giả dối của tư tưởng. Không bàn đến tính chân thực hay giả dối của tư tưởng thì không còn là lôgíc học nữa.

2.2.2.   Sự khác biệt giữa lý luận nhận thức và phép biện chứng

 Lý luận nhận thức là sự phản ánh biện chứng khách quan của thế giới bởi con người. Điều khác nhau căn bản giữa lý luận nhận thức và phép biện chứng cũng chính là sự khác biệt giữa biện chhứng của tự nhiên và biện chứng của tư duy. Biện chứng của tự nhiên là cái vốn có của sự vật hiện tượng, nó mang tính khách quan. Trong biện chứng tự nhiên, các sự vật, hiện tượng mang tính bị động so với tính quy định vốn. Còn biện chứng của tư duy cũng bàn đến biện chứng của tự nhiên, là sự nhận thức của con người nên nó có sự tác động bởi ý thức đến quá trình nhìn nhận biện chứng của thế giới khách quan, con người thông qua khái niệm, quy luật, phạm trù để phản ánh quy luật khách quan của thế giới. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa lý luận nhận thức và phép biện chứng. Lênin viết: “Ở đây, thật sự về khách quan có ba vế: 1) giới tự nhiên, 2) nhận thức của con người = bộ óc của người (với tư cách là sản phẩm cao nhất của giới của giới tự nhiên đó), 3) hình thức của sự phản ánh giới tự nhiên vào trong nhận thức của con người; hình thức này chính là những khái niệm, những quy luật, những phạm trù,..”13.

2.2.3. Sự khác biệt giữa phép biện chứng và logic biện chứng

Theo Lênin, phép biện chứng là ngành khoa học nghiên cứu các mối liên hệ, sự vận động và phát triển của tất các các sự vật, hiện trượng trong mọi lĩnh vực như tự nhiên, xã hội và tư duy của con người. Còn Logic biện chứng là ngành khoa học cũng nghiên cứu đến mối liên hệ, vận động và phát triển nhưng phạm vi nghiên cứu của ngành khoa học này chỉ là những quy luật và hình của tư duy. Đây là điểm khác nhau cơ bản thứ nhất giữa phép biện chứng và logic biện chứng. Điểm khác nhau thứ hai giữa phép biện chứng và logic biện chứng, cũng giống như lý luận nhận thức, logic biện chứng cũng mang tính chủ quan của sự phản ánh biện chứng của thế giới vào trong tư duy của con người, nó cũng chịu sự tác động của ý thức của con người. Các yếu tố vận động theo biện chứng của tự nhiên cũng mang tính thụ động, còn các yếu tố trong logic biện chứng lại mang tính tự giác – “Sự tự giác hóa” nhờ có sự tác động của ý thức con người.

 


 

KẾT LUẬN

Thông qua những quan điểm của V.I. Lênin, chúng ta đã phần nào nhận thức rõ được đối tượng nghiên cứu và phạm vi tác động của ba ngành khoa học chủ yếu triết học Mác – Lênin, nhận thức được giữa chúng có những điểm tương đồng cũng như một số khác biệt nhất định. Chính từ những sự đồng nhất và khác biệt chúng ta có được cơ sở để khẳng định rằng ba ngành khoa học này không phải tồn tại tách biệt, không có mối liên hệ với nhau mà chúng gắn bó mật thiết với nhau, có những sự tác động, chuyển hóa lẫn nhau, và cũng chính điều này chúng ta có thể khẳng định tính thống nhất của ba ngành khoa học trên. Trên cơ sở phân tích sự đồng nhất và khác biệt, chúng ta có được cơ sở lý luận chặt chẽ và khoa học để chống lại các quan điểm duy tâm, siêu hình đã “bóp méo sự thật”, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin khi bàn về sự thống nhất giữa ba ngành khoa học trên, khẳng định thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng của triết học Mác – Lênin là đúng đắn và khoa học. Thông qua việc nghiên cứu sự đồng nhất và khác biệt giữa ba ngành khoa học trên, chúng ta có được nhận thức đúng đắn về đối tượng cũng như phương pháp của ba ngành khoa học này để có thể lựa chọn phương pháp nhận thức, cũng như tác động và cải tạo thế giới hiệu quả./


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS. Doãn Chính – PGS.TS. Đinh Ngọc Thạch (Đồng chủ biên) (2008), Vấn đề triết học trong tác phẩm của C.MÁC – PH.ĂNGGHEN, V.I. LÊNIN, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. V.I. LÊNIN (2005): Toàn tập (tập 29), NXB chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. PGS.TS. Võ Văn Thắng (2014), Giáo trình Logic biện chứng, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

4. PGS. Vũ Ngọc Pha (1996), Tìm hiểu về Logic, NXB Chính trị quốc gia.

5.Http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Logichoc/Ve-sudong-nhat-va-khac-biet-giua-phep-bien-chung-ly-luan-nhan-thuc-va-logic-hoc58.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

Your Ad Spot